- Là thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà tham gia đàm phán hiệp định Paris 1973, xin ông cho biết nội dung về hoà hợp dân tộc được đề cập như thế nào trong suốt quá trình này?
- Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam ở thủ đô nước Pháp, bắt đầu từ ngày 13/5/1968 và kết thúc vào ngày 27/1/1973. Đây là cuộc đàm phán tay đôi do Việt Nam chủ động đề xướng. Còn Mỹ, bị thất bại nặng nề nên chấp nhận thương lượng để tìm lối thoát danh dự.
"Không nên coi những người có ý kiến trái chiều là chống đối, mà cần đồng thuận với họ để có ý kiến phản biện. Cần hết sức khiêm nhường, đừng độc quyền yêu nước, độc quyền lẽ phải - xem những ai không đồng tình với mình là không yêu nước", nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh. |
Thời kỳ đầu, tư tưởng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là buộc Mỹ rút, lập chính phủ liên hiệp đoàn kết toàn dân ở tất cả các lực lượng gồm cách mạng, đối địch và lực lượng thứ ba. Lúc này, hoàn toàn chưa có khái niệm hòa hợp dân tộc. Cuộc đàm phán diễn ra với cục diện "vừa đánh, vừa đàm", ở cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.
Cuộc đàm phán Paris diễn ra hơn 3 năm vẫn bế tắc. Năm 1972, Việt Nam đề ra đường lối tìm cách mở đường cho Mỹ rút với khẩu hiệu "Mỹ rút, Sài Gòn còn, miền Nam giữ nguyên trạng". Lúc này, phải liên kết các lực lượng miền Nam thì vấn đề hòa hợp dân tộc mới được đặt ra, đưa vào dự thảo Hiệp định và bàn kỹ.
Lúc đầu, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi là chính phủ liên hiệp ba thành phần, nhưng Mỹ không chấp nhận vì chính phủ mới có nghĩa là thủ tiêu Sài Gòn. Vì thế mới đổi thành "một chính quyền hòa hợp dân tộc" vì khi Mỹ rút, hai chính quyền sẽ song song tồn tại, cần thực hiện hòa hợp, hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên, Mỹ chỉ nhận rút quân chứ không đồng ý lập chính quyền, vì thế kết quả đàm phán là sẽ thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc để tổ chức tổng tuyển cử và đôn đốc thi hành Hiệp định.
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh từng là thành viên đoàn đàm phán Paris từ khi bắt đầu cho đến khi Hiệp định được ký kết. Sau đó làm đại sứ Việt Nam tại Mozambique. Từ khi nghỉ hưu ông chuyên nghiên cứu về lịch sử ngoại giao nước nhà. Ảnh: Hoàng Thùy. |
- Sau ngày 30/4/1975, Việt Nam thống nhất được đất nước, thế nhưng hàng chục nghìn người dân miền Nam lại rời bỏ quê hương. Đâu là lý do thưa ông?
- Năm 1998 tôi đi công tác ở Mỹ, họ sắp xếp một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam với sự tham dự của 1.000 sinh viên và hơn 100 giáo sư, trao đổi trong nhiều giờ tại Đại học Brown. Trong mấy chục câu hỏi sinh viên đưa lên có một câu với nội dung: "Thưa ngài, các ngài thuộc phe thắng lợi, đưa lại hoà bình cho đất nước theo như các ngài nói, nhưng tại sao khi các ngài vào Sài Gòn thì có hàng triệu người bỏ ra đi?".
Tôi đã trả lời rằng: Trong suốt thời gian chiến tranh, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều tuyên truyền rằng Cộng sản rất độc ác. Thế nên khi đất nước vừa thống nhất, chúng tôi vào tiếp quản, nhiều người dân miền nam đã quyết định ra đi. Ngoài ra, Việt Nam vốn là nước nghèo, khi Mỹ vào nền kinh tế phát triển hơn. Khi Mỹ rút đi, chúng tôi chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu của một bộ phận. Cuối cùng, chúng tôi đánh nhau giỏi, nhưng vấn đề tranh thủ lòng dân lại chưa tốt. Sau ngày 30/4/1975, rất nhiều người ra đi, nhưng dù họ đi đâu cũng vẫn là công dân Việt Nam. Chúng tôi luôn khuyến khích họ liên lạc, về thăm hay trở về quê hương.
- Hòa hợp dân tộc, hòa hợp 2 miền Nam - Bắc được nhà nước thực hiện như thế nào sau ngày thống nhất?
- Khi vào tiếp quản Sài Gòn, ông Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã nói không nên coi ai thắng ai thua. Bởi đây là chiến thắng của dân tộc, của sự nghiệp độc lập. Chủ tịch UBND TP HCM lúc đó, ông Võ Văn Kiệt cũng cho rằng người của cả hai bên hiện diện trong hàng vạn gia đình nên phải thực hiện hoà hợp dân tộc. Bởi vậy, nhiều người thuộc lực lượng thứ ba đã được giữ lại, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền cũ đều được tự do...
Nhưng tinh thần đó không được mở rộng, phổ biến rộng rãi nên một số lãnh đạo đã phạm sai lầm, nhiều cái sai của miền Bắc lại được áp dụng vào miền Nam...
Hầu hết những sai lầm này đều do tư tưởng kẻ thắng người thua. Nếu như đặt lợi ích dân tộc lên trên thì sẽ ít sai lầm. Gần đây, việc hòa hợp dân tộc đã được chú trọng hơn.
- Vậy theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện hoà hợp dân tộc?
- Hoà hợp dân tộc là truyền thống của nhân dân ta. Phật hoàng Trần Nhân Tông khi có danh sách người làm tay sai cho quân Mông đã mang đi đốt. Đó là tư tưởng hoà hợp dân tộc, độ nhân độ lượng cần phải học hỏi.
Hoà hợp dân tộc là vấn đề tâm thức, lối sống, văn hoá, không thể áp đặt được. Muốn hoà hợp dân tộc phải chân thành, đừng bám lấy chuyện cũ, dám vượt qua chuyện cũ để chung sống. Người cầm quyền cần phải có chính sách, thái độ ứng xử, đường lối đúng, như vậy mới tranh thủ được hoà hợp.
Hiện nay, ta kêu gọi đoàn kết xây dựng đất nước, nhưng khẩu hiệu rộng quá, phải tìm khái niệm hẹp hơn. Cái cần nhất bây giờ là Chính quyền phải làm sao tập hợp được những trí thức lớn, tranh thủ đồng thuận, lắng nghe phản biện, tranh luận. Đồng thuận không mới nhưng lúc này càng cần phải làm, phải tranh thủ. Muốn đồng thuận phải tư duy mới, những gì trở ngại cho đồng thuận thì phải sửa.
Không nên coi những người có ý kiến trái chiều là chống đối, mà cần đồng thuận với họ để có ý kiến phản biện. Cần hết sức khiêm nhường, đừng độc quyền yêu nước, độc quyền lẽ phải - xem những ai không đồng tình với mình là không yêu nước.
Cần phải khẳng định rằng, tất cả người Việt ở nước ngoài đều là một bộ phận của dân tộc, vì vậy không chia ra Việt kiều yêu nước, nói vậy thì bộ phận còn lại là không yêu nước hay sao?
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: "Việc chia thành 2 phe trong một đất nước trong thời chiến là điều không ai mong muốn, nhưng đó là thực tế lịch sử. Từ năm 1946, khi chúng ta giành chính quyền sau cách mạng tháng Tám có những người đứng ở bên phía Pháp, nhưng Hồ Chủ tịch đã nói: 'Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay, trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tinh thân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang'. Tôi nghĩ rằng cách nhìn của Bác, lời dạy của Bác từ đó đến nay đã thấm trong lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ cũng như nhân dân trong cả nước. Cho dù có lúc đứng đối diện với nhau, cho dù có những khi đã chĩa súng vào nhau, dù mỗi bên đều đã mất mát người thân của mình nhưng nhớ lại lời dạy của Bác thì chúng ta đều một gốc cả, đều là con cháu vua Hùng, đều có lòng yêu nước. Bác Hồ nói rất hay "ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc", đó chính là điểm tựa của chúng ta để cùng hướng về quê hương. |
Hoàng Thùy thực hiện