Trong tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa, Đỗ Hữu Phương (1841-1914) chỉ xếp hàng thứ 2 sau Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt. Nhưng về danh tiếng, lời đồn đoán và cả vai vế trong xã hội, khắp Nam Kỳ lục tỉnh không ai sánh bằng ông. Từ một quan nhỏ dần tiến thân lên Tổng đốc, người này sử dụng khéo léo "quyền lực" trong tay đứng ra móc nối giới thương gia Hoa kiều và quan chức Pháp làm ăn, thu cả "núi tiền" cho bản thân.
Đỗ Hữu Phương xuất thân trong gia đình có cha là bá hộ Khiêm. Trước khi Pháp chiếm đóng Nam kỳ, gia đình ông cai quản một vùng rộng lớn phía Bắc Sài Gòn mà nhiều nhất là khu vực Bà Điểm ngày nay. Đất trồng lúa, vườn cây ăn trái ngút ngàn. Tại khu vực quận 5 bây giờ, gia đình sở hữu hàng trăm căn nhà mặt tiền để cho thuê kinh doanh, sinh sống.
Đương thời, Phương là một thanh niên có tầm hiểu biết, giỏi ngoại ngữ có kiến thức văn hóa. Tuy con bá hộ "giàu nứt đổ vách" nhưng không như các công tử khác chỉ biết tiêu tiền, đe nẹt người khác, Phương nhờ người giới thiệu và được giới cầm quyền Pháp giao cho chức quan nhỏ rồi tiến chức từ đó. Theo từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Đỗ Hữu Phương được Pháp thưởng Tam đẳng bội tinh, triều đình Huế phong hàm Tổng đốc.
Ông nhiều lần sang Pháp rồi nằm trong nhóm đại diện người Đông Dương tham gia hội chợ. Tiếp xúc nhiều với người Pháp, Tổng đốc Phương có cách sống, suy nghĩ và mau chóng coi văn hóa Pháp như nét riêng của mình. Ông lúc nào cũng mặt đồ tây, gọn gàng, lịch thiệp, tiếp khách, trò chuyện tại các tụ điểm sang trọng. Điều này khác so với những phú hộ vốn khăn đóng, áo dài thời bấy giờ. Người Pháp và bạn bè nhận xét ông "Tây hơn cả người Tây".
Khôn khéo tột độ, kiếm tiền giỏi nhưng người giúp Tổng đốc Phương vươn lên vị thế giàu nhất nhì Sài Gòn là nhờ vào vợ. Bà này họ Trần, con một quan lại lớn trong triều đình nhà Nguyễn. Bố vợ trước làm quan xứ Quảng Nam nhưng sau này đã chuyển vào Nam Kỳ làm Tri phủ. Sau khi cưới, vợ chồng ông Phương sinh sống trong một căn nhà lớn nhất nhì Sài Gòn khi đó.
Vợ Tổng đốc sống trong nhung lụa, giàu sang nhưng không vì thế mà đàn đúm như những quý bà trong giới thượng lưu. Chồng lo ngoại giao, thu vén bên ngoài, mọi chuyện còn lại người vợ cáng đáng hết. Bà nổi tiếng đảm đang, tháo vát ở đất Sài Gòn xưa.
Gia đình có hơn 2.200 hecta đất, đến mùa vụ, người đàn bà họ Trần lo tất tần tật mọi việc từ tính toán thu chi rồi sắp xếp nhân công. Với hệ thống mua bán kinh doanh lên đến hàng nghìn cơ sở, bà lo việc kết nối các tiểu thương, xây dựng hệ thống buôn bán riêng biệt. Thời đó, gia đình ông Phương còn chi phối được một phần giao dịch thông thương tại các bến cảng Sài Gòn.
Ruộng đất nhiều làm không xuể, bà vợ cho các tá điền thuê lại. Đến mùa thu hoạch, phu nhân Tổng đốc phải đốc thúc việc nộp tô, thuế. Việc này cũng mang lại nguồn thu cực lớn. Thóc lúa trong nhà ông Phương chất thành núi để la liệt ở các nơi, quản lý không xuể. Giải quyết chuyện này, người vợ đã khéo bán sang tay với giá hời để vừa thu tiền, vừa tránh được thất thoát không đáng có.
Học giả Vương Hồng Sển khi viết về Đỗ Hữu Phương trong cuốn Sài Gòn năm xưa đa phần chê bai việc theo Pháp đánh nghĩa quân nhưng đối với người đàn bà họ Trần này ông hạ bút ra chiều cung kính. "Sự nghiệp của ông Phương trở nên đồ sộ nhất nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhân Trần thị gây dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài làm của đẻ thêm ra mãi, lại được trường thọ, mất sau chồng…".
Về độ giàu có của vợ chồng phú hộ Phương, điển tích kể rằng họ có riêng một đội đếm tiền được sắp xếp bí mật trong căn phòng phía sau nhà. Khi đến mùa vụ hoặc dịp thu tiền của thương lái, tiểu thương, những người này ăn ngủ tại chỗ để đếm tiền. Số tiền được họ bó buộc chặt rồi cất vào căn phòng kín kiên cố và khóa nhiều lớp. Chùm chìa khóa của căn phòng chỉ có vợ ông Phương được giữ và nó gần như là vật bất ly thân đối với bà, thậm chí lúc đi ngủ cũng nắm chặt trong tay…
Chính bà vợ của Tổng đốc Phương đã bỏ tiền ra xây trường Collège de Jeunes files Indigènes, tức trường Áo tím (Gia Long) mà bây giờ mang tên trường Nguyễn Thị Minh Khai (đường Điện Biên Phủ, quận 3).
Năm 1914, Đỗ Hữu Phương mất, học giả Vương Hồng Sển viết rằng đám tang của vị Tổng đốc được tổ chức rất trọng thể. "Thi hài của Đỗ Hữu Phương được tại thế nửa tháng mới chôn. Hàng ngày có hàng trăm khách viếng. Tang gia cho mổ trâu, bò, heo liên miên cúng và đãi khách", sách Sài Gòn năm xưa nêu. Trước năm 1975, Sài Gòn có đường Tổng đốc Phương ở quận 5, sau này đổi thành đường Châu Văn Liêm.
Vợ chồng ông Phương có 6 người con nhưng nổi tiếng nhất là 2 con trai phục vụ trong binh đoàn lính Lê dương của Pháp. Trong đó, Đỗ Hữu Vị nổi tiếng hơn cả khi có nhiều tài liệu cho rằng ông này là phi công đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đỗ Hữu Vị khi phục vụ quân đội Pháp mang quân hàm đại úy, tham gia thế chiến thứ nhất và tử trận tại Bắc Phi năm 1916 (hai năm sau ngày Phương Tổng đốc mất).
Sau này, một con đường gần nơi Đỗ Hữu Vị tử trận mang tên ông, người này cũng được chính quyền thuộc địa Pháp cho in trong con tem lưu hành ở Đông Dương. Đỗ Hữu Vị từng có câu nói nổi tiếng "Tôi mang hai quốc tịch Pháp và Việt nên mọi nỗ lực của tôi đều gấp đôi người khác".
Anh trai Vị là Đỗ Hữu Chấn cũng phục vụ trong quân đội Pháp, lên đến hàm đại tá. Tuy nhiên, người anh này thường giấu mình, ít thông tin hơn ông em. Ông Chấn cũng là người mang hài cốt Đỗ Hữu Vị từ Bắc Phi về Việt Nam chôn cất.
Sơn Hòa