Với người dân Sài Gòn và các vùng phụ cận, cái tên chợ Bình Tây hay còn gọi là chợ Lớn mới (quận 6) thân thuộc, đầy ý nghĩa. Khu chợ sầm uất bậc nhất xứ Nam bộ là chốn đi về của hàng triệu người gần trăm năm qua.
Giữa chợ, một khu vực tĩnh lặng với 4 con rồng phun nước và 4 con kỳ lân thờ bức tượng bán thân của Quách Đàm (1863-1927), người đàn ông đã bỏ tiền xây chợ. Tiểu thương trong chợ thường xuyên lui tới hương khói, cầu buôn may bán đắt.
Quách Đàm tên thật là Diệm, vốn người Triều Châu, Trung Quốc. Khởi thủy, chú Quách cũng quàng trên vai đôi quang gánh đi khắp hang cùng ngõ hẻm khu vực Chợ Lớn để mua bán ve chai. Không nhà cửa, người thân thích, ông cứ đi mua bán cả ngày, tối về lại kiếm mái hiên ở chợ Lớn ngủ.
Nghèo khổ nhưng Quách Đàm không bỏ ý định làm giàu. Ngày làm cật lực, đêm ngủ vỉa hè, ăn uống lại kham khổ nên sau một thời gian buôn bán ve chai, ông để dành được ít vốn. Bỏ nghề buôn bán ve chai, ông chuyển sang buôn da trâu, vi cá. Quách Đàm đi khắp Sài Gòn và các tỉnh lân cận thu mua mặt hàng này rồi xuất bán sang nước ngoài.
Làm ăn khấm khá, ông thuê căn nhà trên đường Hải Thượng Lãn Ông mở cửa hiệu lớn. Giống như nhiều Hoa kiều ở Sài Gòn, khi buôn bán đều xin chữ đặt tên hiệu buôn, Quách Đàm được một ông thầy người Tàu viết hai câu:
"Thông thương sơn hải
Hiệp quán càn khôn"
Hai câu này nhằm chúc việc buôn may bán tốt nên chú Quách rất thích thú bèn lấy chữ đầu của hai câu là "Thông Hiệp" đặt cho hiệu buôn. Hiện một căn nhà cổ vốn là trụ sở công ty của Quách Đàm trên đường Hải Thượng Lãn Ông vẫn còn logo hai chữ T & H lồng vào nhau.
Vài năm sau nữa, Quách Đàm có được số vốn lớn nên mướn thêm một căn phố ở chợ Kim Biên ngày nay. Ngôi nhà gần con rạch, thông ra kênh Tàu Hủ nên chú Quách chuyển sang thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây. Ban đầu buôn nhỏ, sau phát triển to dần, ông trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn. Hầu hết những “chành” gạo ở dọc theo vùng bến Bình Đông, Lê Quang Liêm ngày nay, có thời của Quách Đàm.
Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển kể một trong những mánh lới làm ăn giúp Quách Đàm phất lên nhanh chóng. Một năm, ông sai mua lúa khắp miền Tây chở về dự trữ ngập trong các nhà kho chờ ngày xuất bán sang nước ngoài. Nhưng do nắm tin thị trường chưa kỹ, năm đó giá lúa quốc tế sụt giảm nặng. Với kho lúa hiện tại, Quách Đàm có thể lỗ nặng, phá sản nên người nhà, nhân công hết sức lo lắng. Ông lúc đó vẫn bình tĩnh như thường, ra mật lệnh cho nhân viên dưới miền Tây tiếp tục mua lúa giá như cũ. Không những thế, ông còn trả giá lúa cao hơn các thương lái khác để gom mua bằng hết.
Mặt khác, Quách Đàm gửi thư cho đại diện ở nước ngoài tung tin đồn giá lúa sắp tăng vọt lên cao. Mánh lới này của ông nhanh chóng khiến các thương lái “sập bẫy”. Họ đua nhau thu mua lúa trong nước với giá cao chờ bán kiếm lời. Lúc này, Quách Đàm mới âm thầm dừng mua lúa đồng thời xuất lúa chứa trong kho ra bán. Kho lúa vơi dần cũng là lúc các nhà buôn khác phát hiện bị lừa. Họ chia nhau gánh thay phần lỗ của ông.
Trong làm ăn Quách Đàm nhiều mưu mẹo nhưng về đời sống ông rất được dân chúng quý mến vì thường xuyên giúp đỡ người nghèo. Ông mở quỹ từ thiện rồi cùng gia đình phân phát khắp nơi.
Nhờ tài kinh doanh, Quách Đàm dần vươn lên thành người giàu có nổi tiếng ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Vì quá giàu nên người Pháp vừa năn nỉ vừa ép buộc ông mua lại các doanh nghiệp nợ nần, sắp phá sản. Nhiều công ty mía đường vì lý do này lúc đó cũng rơi vào tay ông và dần khởi sắc, mang lại cho gia đình Quách Đàm thêm nhiều tiền.
Giàu "nứt đố đổ vách", ông mua khu đất ruộng rộng lớn còn hoang hóa ở vùng Bình Tây (quận 6 ngày nay) rộng 17.000 m2. Với khu đất này, Quách Đàm tính toán xây dựng một khu chợ lớn nhất Nam bộ. Ông cho người thiết kế khu chợ theo lối Á – Âu kết hợp, tạo các gian hàng rập khuôn rồi mời các tiểu thương vào buôn bán.
Mọi thiết kế, nhân lực, tiền của đã chuẩn bị xong thì năm 1927, Quách Đàm qua đời. Việc xây dựng dời lại một năm sau và đến năm 1930 chợ mới hoàn thành. Chợ mới mang tên Bình Tây nhưng hầu hết người Nam bộ đều gọi nó bằng cái tên Chợ Lớn mới, thay cho chợ Lớn cũ bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Trong chợ, người dân và gia đình Quách Đàm cho lập khu vực thờ cúng ông để tưởng nhớ người sáng lập.
Quách Đàm chết, đám ma lớn không nơi nào bằng. Khách từ các quan chức chính quyền thuộc địa, từ Trung Quốc và các đối tác làm ăn trong ngoài nước đổ về không thể đếm. Đủ thứ nhạc Tây, Tàu, Ta, Miên... Khách đi đường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa, tặng một quạt giấy có kèm năm đồng bạc đền ơn đưa đón.
Sau khi qua đời, cơ nghiệp nhà họ Quách được 2 con trai thay nhau quản lý. Các con của Quách Đàm giống cha tiếp tục đứng ra bảo lãnh nhiều ngành hàng có nguy cơ đổ nợ. Trong số đó có "Ngân hàng Đông Dương", nhà băng lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ. Nhưng do gặp đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam bị ảnh hưởng, các nhà buôn thi nhau vỡ nợ khiến nhà băng phá sản kéo theo kho gia tài nhà họ Quách sụp đổ.
Gần 100 năm hình thành và phát triển, chợ Bình Tây ngày nay đã phát triển khá hoành tráng về quy mô, cũng như chủng loại hàng hóa. Tuy các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên dày đặc nhưng nơi này vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn hàng đầu ở TP HCM.
Ngôi chợ được Quách Đàm thai nghén xây dựng gần 90 năm trước hiện sắp được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Với lối kiến trúc cổ xưa, cùng bề dày lịch sử, đang từng ngày góp phần để chợ phát triển theo hướng điểm đến du lịch, mua sắm của thành phố.
Sơn Hòa