Cách Khu du lịch văn hóa Suối Tiên hơn 500m, rẽ phải theo hướng về Khu du lịch Suối Mơ (quận 9, TP HCM) là Ngự Lãm viên - kiến trúc nghệ thuật kinh thành Huế của anh Nguyễn Thanh Tùng.
Sự trầm mặc cổ kính, thanh tịnh của đất cố đô với những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử như: cầu Tràng Tiền, Hoàng thành Huế, chùa Thiên Mụ, sông Hương uốn lượn với dòng nước xanh biếc... hiện ra trước mắt khiến nhiều du khách trầm trồ thích thú.
Anh Nguyễn Thanh Tùng với công trình kiến trúc nghệ thuật tâm đắc của mình. Ảnh: Vĩnh Phú. |
Chỉ tay về hoa viên rộng hơn 1.000m2, người đàn ông trắng trẻo ở tuổi 40 cho biết, tuy chỉ sống ở Huế trong 5 năm tuổi thơ nhưng vẻ đẹp thơ mộng của Huế đã in sâu trong tâm hồn anh.
"Cuộc sống khó khăn gia đình phải vào Nam xây dựng cuộc sống mới, nhưng nỗi nhớ quê hương cố đô đã thôi thúc tôi cần phải làm cái gì đó để đỡ nhớ nhà. Đặc biệt đây là món quà ý nghĩa dành tặng cha mẹ người có công nuôi dưỡng mình nên người", anh Tùng xúc động nói.
* Hình ảnh kinh thành Huế thu nhỏ |
Anh kể, ý tưởng phục dựng một kinh thành Huế cổ kính đã có từ những năm học cấp 3. Học xong đại học rồi đi làm, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa các nước... anh cho rằng chẳng nơi nào có vẻ đẹp cổ kính như Huế. Từ năm 2000, sau một chuyến đi Australia và dành dụm được một số tiền kha khá, anh đã quyết tâm thực hiện một mô hình "Huế thu nhỏ" cho riêng mình.
Đến năm 2002 khi thực hiện xong việc thiết kế, việc tiến hành xây dựng cũng gặp không ít khó khăn. Ban đầu anh thử nghiệm làm những mô hình lăng tẩm, thành quách Huế bằng gỗ chét xi măng bên ngoài. Tuy nhiên khi đưa vào sử dụng thử nghiệm do trời nắng gỗ bị giãn nở nên thành quả của anh và hàng chục công nhân đều trở thành công cốc.
Yêu cầu mô hình "Huế thu nhỏ" có khả năng chống chọi lại thời tiết và phải đạt tuổi thọ đến 100 năm, khiến người đàn ông ấy tiếp tục nhiều lần thử nghiệm, tìm đến những nghệ nhân nổi tiếng trong nghề mộc ở Sài Gòn và tại Huế nhưng đều thất bại. Tiêu tốn nhiều tiền bạc, bị gia đình ngăn cản, có người còn chửi anh khùng nhưng anh vẫn mặc kệ và quyết tâm làm cho bằng được.
Hoàng thành Huế thu nhỏ trong Ngự Lãm viên được tái hiện y như thật. Ảnh: Vĩnh Phú. |
Đau đầu với việc ý tưởng của mình chưa thể thành hiện thực, nhiều lần lang bạt, tìm kiếm đến cả hậu duệ của những người thợ từng xây lăng Khải Định, Hoàng thành Huế cách đây vài trăm năm nhưng kết quả cũng không như anh mong đợi. Có người góp ý nên xây dựng mái che để che nắng che mưa thì mô hình sẽ không bị hỏng nhưng anh nhất quyết không dùng vì khi đó sẽ làm mất đi vẻ tự nhiên.
Sau nhiều đêm vắt tay lên trán suy nghĩ, bỗng một hôm ý tưởng chợt lóe lên trong đầu. "Kinh thành Huế tồn tại từ hàng trăm năm cũng đều làm bằng đá, sao mình không đúc mô hình bằng đá xay nhuyễn trộn thêm xi măng để kết dính", anh Tùng kể.
Với suy nghĩ đó, anh lao vào nghiên cứu, thiết kế mô hình cùng người cậu làm nghề mộc tìm thợ, chọn gỗ. Với khoảng gần 20 người làm việc quần quật trong nhiều năm, họ đã xây dựng nhà rường (nhà ba gian kiểu Huế) với gỗ Đỏ, gỗ kiền kiền rừng Nam Đông... Sau 5 năm, công trình nghệ thuật "Ngự lãm viên" cũng đã hoàn thành.
Tuy được tái tạo lại với bàn tay con người với kích thước thu nhỏ, nhưng hệ thống kinh thành Huế xưa vẫn giữ được nét kiến trúc mẫu mực cổ kính của Huế xưa.
Cổng Ngự Lãm viên làm bằng gỗ quý hiếm mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Ảnh: Vĩnh Phú. |
Những đường nét chạm trổ tinh tế, những đường cong uốn lượn nhẹ nhàng thanh thoát của Hoàng thành Huế, cung Thái Hòa, Ngọ Môn, cung Trường Sanh, Lăng Tự Đức, Minh Mạng... trong Ngự Lãm viên khiến nhiều khách tham quan không khỏi sững sờ vì có cảm giác kinh thành Huế cổ kính đang hiện ra trước mắt.
Điểm xuyết thêm cho mô hình "Huế thu nhỏ", không thể thiếu đó là dòng sông Hương thơ mộng uốn quanh qua kinh Thành, qua Hoàng Thành và Tử Cấm Thành...
Ngự Lãm viên của anh Nguyễn Thanh Tùng đã hoàn thành được 4 năm, ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Khi được hỏi có ý định kinh doanh dịch vụ du lịch anh bộc bạch: "Tôi xây dựng mô hình này chỉ dành cho gia đình và chỉ muốn làm cầu nối cho những người con xa quê gốc Huế và những người yêu cố đô Huế, không có ý định bán vé kinh doanh. Ngoài ý nghĩa thắt chặt tình cảm gia đình, công trình này còn có ý nghĩa lịch sử về một triều đại".
Khách đến "Huế thu nhỏ" không chỉ là người Sài Gòn gốc Huế nhớ quê hương mà còn có nhiều vị khách châu Âu, châu Á. Sau hơn 4 năm mở cửa miễn phí, tiếng thơm đồn xa, đến nay đã có hàng vạn lượt khách đến tham.
"Khi đến tham quan mô hình kinh thành Huế, cảm giác nhớ nhà của một người con xa quê như tôi lại trỗi dậy mạnh mẽ. Mỗi khi buồn hoặc nhớ quê nhà tôi lại đến đây để tìm lại cảm giác bình yên", anh Dương một người con xứ Huế đến thưởng lãm nói.
Vĩnh Phú