Trời giữa tháng 5 nóng hầm hập, nam thanh niên tên Hải chạy vào hẻm 1806 đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè (TP HCM) tìm số nhà 1806/127/2/6/15/48/2 để giao hàng đặt mua qua mạng.
Chạy lòng vòng suốt 15 phút, lưng áo và trán vã mồ hôi nhưng tìm chưa thấy, Hải móc điện thoại ra gọi cho khách hàng. Tuy nhiên, dù được chỉ dẫn, nam thanh niên vừa chạy vừa hỏi người dân nhưng 30 phút sau vẫn quanh quẩn trong mê cung số nhà. Hết kiên nhẫn, Hải đề nghị khách ra đầu hẻm 1806 nhận hàng.
"Làm nghề này hơn 2 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy cái số nhà dài đằng đẵng với 6 sẹc thế này. Tưởng khách chọc phá lấy địa chỉ ma, tôi đứng đầu hẻm uống nước nghỉ mệt xíu ai dè bà chủ nhà chạy ra lấy hàng thiệt. Họ còn dẫn tui vô tận nơi để chứng kiến cái số nhà khủng khiếp đó", Hải kể.
Với anh Khánh, chủ nhà 206/125/19/27/17/9 cho biết, việc người giao hàng than vãn về cái địa chỉ “lắm sẹc” của mình diễn ra như cơm bữa. Từ người giao gas đến đổi nước dù rành địa bàn nhưng cũng “ngắc ngư” khi dò số nhà.
“Cực nhất là đặt hàng qua mạng, tôi đều phải ra đầu hẻm chờ lấy hàng chứ kêu họ mang tới mất cả buổi. Gọi điện chỉ đường vừa tốn mớ tiền vừa mất thời gian mà chẳng ai tìm thấy nhà mình”, anh Khánh chia sẻ.
Những số nhà 5-6 sẹc không phải cá biệt ở khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, bởi hàng trăm căn nhà đều rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều người đùa rằng số nhà dài trở thành “món đặc sản” của họ để khoe với người thân, bè bạn mỗi khi đến thăm.
Nói về sự bất tiện của căn nhà "siêu số", ông Nguyễn Văn Tư (chủ nhà 1086/127/2/6/15/41) cho biết, người dân trong khu vực nhà ông rất khó gọi cấp cứu. Xe cứu thương hầu như không thể xác định được phương hướng để tìm. Thế nên có việc gì là người nhà phải ra đầu hẻm đợi sẵn, dẫn đường cho xe vào.
“Cạnh nhà tôi có vợ chồng cán bộ nghỉ hưu vừa bán nhà chuyển đi. Số nhà rối rắm khiến bạn bè của ổng không cách nào tìm ra nhà, con cháu vì thế cũng ngại đến. Ổng nói phải chuyển đi cũng vì sợ khi trái gió trở trời, gọi xe cấp cứu mà nó vào được chắc tiêu mất rồi”, ông Tư kể.
Con hẻm nhà ông Tư rộng 6 m, giá nhà vừa phải lại yên tĩnh nên trước đây người dân tìm mua khá nhiều, họ không bận tâm đến số nhà loằng ngoằng. Tuy nhiên, sau thời gian dài sinh sống họ nhận ra sự bất tiện nên nhiều người đã chuyển sang nơi khác sinh sống.
Không riêng huyện Nhà Bè, tại hẻm 36 đường Bùi Tư Toàn, quận Bình Tân cũng có hàng trăm căn nhà đến 5-6 sẹc.
Nhà 36/45/32/49/13/22 của bà Châu Mỹ Hồng được cấp năm 2006. Mười năm sống với số nhà "dài đằng đẵng" nên khi ai thắc mắc hay há hốc mồm về số nhà bà đều cười, không buồn giải thích.
Dù có cửa hàng tạp hóa nhưng các nhân viên tiếp thị, người giao hàng hầu như chẳng khi nào tiếp cận. Muốn lấy hàng về bán, bà Hồng phải thuê hoặc tự chở.
"Có biết đường chắc tiếp thị cũng chẳng vào vì số nhà lòng vòng thế này mỗi việc đi đã mất thời gian. Người ở đây muốn đi taxi phải lội bộ ra đầu đường mà gọi chứ chẳng xe nào chịu vào", bà Hồng nói.
Mỗi khi điền địa chỉ vào giấy tờ hay đơn từ gì bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ số nhà 36/45/32/49/13/44) phải cố gắng viết chữ nhỏ lại, canh trước sau để tránh sang hàng gây hiểu nhầm. Theo bà, nhiều cán bộ khi chứng giấy tờ cũng “hết hồn” trước những dãy số như phép tính.
Về những căn nhà "siêu số" này, ông Trần Ngọc Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhà Bè - cho biết, việc cấp, đánh số nhà dựa theo quy tắc do Sở Xây dựng thành phố ban hành.
"Cứ thêm một hẻm lại có một sẹc nên nhiều hẻm dẫn đến nhiều sẹc như vậy. Việc cấp số nhà cũng dựa trên bản đồ quy hoạch, UBND huyện cũng đã xem xét", ông Quân nói
UBND thị trấn Nhà Bè cũng biết việc người dân gặp nhiều bất tiện do số nhà dài nhưng việc cấp số phải theo quy định. Đơn vị này cũng kiến nghị đổi số cho người dân nhưng sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến nhiều loại giấy tờ.
Duy Trần