Nằm tại trung tâm thành phố, sáng 28/1, chùa Vĩnh Nghiêm (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) nườm nượp khách du xuân. Tuy đông đúc nhưng gương mặt ai cũng rạng rỡ. Nét văn hoá tâm linh trong đời sống người Việt Nam đã không bị ảnh hưởng bởi cuộc sống náo nhiệt, ồn ào nơi đô thị lớn nhất nước như TP HCM. Án hương to đặt trước sân chùa nghi ngút khói nhang. Nhà chùa thường xuyên nhắc nhở chỉ được mang 3 que nhang vào chánh điện do lượng người quá đông. "Điều đầu tiên tôi làm ngày đầu năm mới là đi chùa lễ Phật. Năm qua gia đình tôi có chuyện vui, chuyện buồn nhưng đều bình an, đó là hạnh phúc nhất. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn đến Trời Phật, đến tổ tiên", bà Năm (ngụ quận 1) chia sẻ. Sài Gòn sáng nay nắng sớm dù hôm qua và nhiều ngày trước trời âm u. Đứng vái vọng từ xa, bà Phương (ngụ quận Tân Bình) cho biết: "Đi chùa đầu năm không đơn thuần là cầu an, mà khi đến đây tôi thấy mình nhẹ nhõm. Được hoà mình vào chốn tâm linh người ta có cảm giác rũ bỏ hết mọi ưu phiền, vất vả mưu sinh" Bé gái đi cùng cha mẹ trước cửa Phật. Lễ chùa đầu xuân là nét văn hoá chung của người Việt Nam, song với người miền Nam khá đơn giản. Họ không mang theo lễ vật, ước gì thì cầu đó chứ không phụ thuộc vào bài cúng. Đến chùa, mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị đều được xoá sạch... Bên trong chánh điện, nhiều người khi làm lễ xong đã xoa tay lên tượng Phật, sau đó vuốt lên đầu, mặt, với mong muốn được may mắn, bình an. Phong tục đi chùa đầu năm là nét văn hoá của dân tộc. “Năm nào cũng vậy, dù không theo Phật giáo nhưng cả gia đình tôi vẫn giữ truyền thống đi chùa sáng mùng 1, cầu mọi điều tốt lành vạn sự như ý”, chị Ngọc Duyên (30 tuổi) cho biết. Anh Minh Tâm phóng sinh ngày đầu năm. Cũng trong sáng nay, từ các ngôi chùa lớn ở TP HCM như: chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), Việt Nam Quốc Tự (quận 10), chùa Ngọc Hoàng (quận 1)... cho đến các ngôi chùa nhỏ ở trong khu dân cư đều rất đông người đến lễ Phật đầu năm. Quỳnh Trần