Hàng trăm hộ dân tại phường Tân Phong (quận 7, TP HCM) gần 10 tháng nay đứng ngồi không yên vì dự án trạm gas rộng 3.000 m2 nằm ngay trong khu dân cư. Đặc biệt, trạm gas chỉ cách trường tiểu học Võ Thị Sáu vài bước chân.
“Xây trạm gas ở đây chẳng khác nào đặt bom nổ chậm, bất trắc ám ảnh thường trực. Áp lực cuộc sống đã mệt, về nhà cũng phải lo ngay ngáy”, chị Đinh Thùy Linh, ở khu Hưng Thái 1 cách trạm gas khoảng 200 m cho biết.

Vị trí đặt trạm cung cấp gas sau lễ khởi công hiện chỉ có một container và vài thiết bị. Ảnh: Duy Trần
Sống gần khu vực dự án trạm cung cấp gas, cựu binh Nguyễn Trường Bội bày tỏ lo lắng khi dẫn chứng hồi đầu năm trên thế giới có hai vụ rò rỉ gas nghiêm trọng. Trong đó, sự cố khí gas tại Cao Hùng (Đài Loan) đã khiến khoảng 300 người chết và bị thương. Còn vụ nổ khí gas còn lại đã đánh sập 2 khu chung cư ở New York. "Nguy cơ cao là vậy nhưng lại đem trạm cung cấp gas 3.000 m2 ra thí điểm ở khu dân cư thì không thể hiểu nổi", ông Bội nói.
Theo thiết kế được TP HCM phê duyệt, Công ty cổ phần Gas đô thị (PV Gas City) đã tiến hành động thổ xây dựng hệ thống cung cấp khí đốt trung tâm và khí đốt cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tháng 12/2013. Diện tích xây dựng lấy từ quỹ đất được quy hoạch làm công viên. Gas được phân phối đến từng gia đình thông qua hệ thống đường ống dài 21 km chôn cách mặt đất 0,8 m. Đây cũng là trạm cung cấp gas đầu tiên ở Việt Nam. Thời gian cấp phép cho trạm gas là 7 năm. Sau thời gian này, PV Gas City phải ngừng hoạt động, chuyển trạm đi nơi khác để tiếp tục xây dựng công viên cây xanh.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có hơn 200 học sinh nằm cách trạm gas vài bước chân. Ảnh: Duy Trần
Theo người dân, hầu hết các gia đình trong khu Phú Mỹ Hưng đã bỏ bếp gas chuyển sang dùng bếp điện cho an toàn. Thế nên nhiều người tỏ ra băn khoăn khi trạm cung cấp gas được xây dựng trong khi người dân không có nhu cầu.
Cô Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, phụ huynh lo lắng và phản đối nhiều vì con em họ đi học kế trạm gas. Nếu đưa vào hoạt động, có bất trắc gì thì trường là nơi hứng chịu đầu tiên.
Trước sự phản đối của người dân, hồi giữa tháng 10, UBND phường Tân Phong tổ chức lấy ý kiến thì 100% không đồng tình kế hoạch xây trạm gas. Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong Trương Thanh Tú cho biết, tất cả các kiến nghị cũng như kết quả biểu quyết sẽ được chuyển lên UBND quận 7 để chuyển tiếp UBND thành phố xem xét.

Lễ khởi công từng rầm rộ diễn ra vào cuối năm 2013. Ảnh: C.T.V
Theo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, hiện Việt Nam chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh và thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với khí nén thiên nhiên. Các điều kiện đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vẫn chưa có con số cụ thể.
Trong khi đó Phó giám đốc chi nhánh PV Gas City tại TP HCM Nguyễn Thanh Sơn cho biết, về độ an toàn môi trường, cháy nổ đã được cơ quan chức năng kiểm tra và có văn bản đồng ý. Theo ông Sơn, kế hoạch xây trạm cung cấp khí gas tại Phú Mỹ Hưng nhằm thay thế việc sử dụng bình gas hóa lỏng đang được dùng rộng rãi ở khu vực này.
"Trước phản ứng của người dân, công trình hiện đã ngừng thi công để chờ xem xét, người dân không có nhu cầu sử dụng thì xây dựng cũng không hiệu quả", ông Sơn nói.
Ngày 15/10, công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng gởi công văn cho PV Gas City với nội dung, nếu chủ đầu tư không thuyết phục được cư dân xây dựng dự án, 2 đơn vị này sẽ họp bàn tìm giải pháp khả thi hơn.
Duy Trần