Toàn vùng Bến Tre đang bị thiên tai gay gắt, gây thiệt hại nặng nhất trong 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Nước máy nhiễm mặn vượt mức cho phép nhiều ngày qua nên người dân phải mua nước sông của các sà lan, ghe lớn mang về từ các tỉnh xung quanh.
Để đáp ứng nhu cầu này, mỗi ngày ông Lương Văn Trung (ngụ huyện Mỏ Cày Bắc) cùng nhiều người sang huyện Cái Bè, Tiền Giang - nơi mặn chưa xâm nhập tới - bơm nước sông vào ghe, tàu rồi chở về bán với giá 100.000 đồng mỗi khối.
"Bình thường sà lan để chở cát thuê, khoảng 100 tấn. Nhưng cả tháng nay tôi chuyển sang nghề chở nước ngọt về bán cho bà con. Chi phí vận chuyển cũng cao, mất công lắm, nên mới bán mắc vậy", ông Trung cho biết.
Tuy nhiên, muốn đưa nước về nhà, người dân phải tốn thêm 100.000 đồng để thuê xe ba gác chở. Còn những hộ mua ít, mỗi can nhựa 20 lít (giá 5.000 đồng) phải thuê xe ôm chở mất 10.000 đồng.
Bà Võ Thị Diễm (ngụ phường 3, TP Bến Tre) cho biết, lúc đầu nước máy nhiễm mặn ít mọi người còn pha với nước uống đóng bình để nấu ăn. Dần dần những cơ sở bán nước uống đóng bình có giá rẻ cũng bị nhiễm mặn hết.
"Giờ nước máy mặn đắng, nếm thử là quéo lưỡi. Không có tiền mua nước suối, nước khoáng của mấy hãng lớn nên tui chọn cách mua nước sông về lóng phèn để ăn uống. Còn tắm rửa vẫn dùng nước máy rồi xối lại vài ca nước ngọt để không bị rít, ngứa. Bà con ở đây nhiều người như gia đình tui lắm. Cả đời tui giờ mới thấy chuyện lạ vầy, người vùng sông nước lại phải mua nước sông", bà Diễm nói.
Tương tự, anh Thành ở phường 1 (TP Bến Tre) cho hay: "Nhà tôi có 2 con nhỏ nên nhu cầu nước ngọt nhiều hơn. Dù rất tiết kiệm nhưng mỗi ngày phải tốn ít nhất 80.000 đồng mua nước sông về xài".
Trong khi đó, ở các vùng nông thôn ven biển, người dân mua nước giếng với giá 150.000-200.000 đồng/m3 nhưng nguồn cung luôn rất hạn chế.
Còn ở xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, nửa tháng nay gia đình anh Nguyễn Văn Luận đã hết rơm cho 7 con bò ăn. Giá rơm trên thị trường hiện là 2.000-2.500 đồng một ký (bằng nửa giá thóc), trong khi ruộng lúa không thể trổ bông vì thiếu nước nên anh Luận phải cắt lúa cho bò ăn.
"Mấy công ruộng nhà tui xa đầu kênh nội đồng nên phải canh con nước để đặt máy bơm. Nhưng cả tháng nay, nước kênh mặn chát không thể bơm được nên lúa khô héo dần. Tôi cắt lúa cho bò ăn dần mà đứt hết cả ruột. Vụ này cầm chắc lỗ hơn 15 triệu đồng, không biết lấy đâu tiền nuôi mấy đứa con đang ăn học", anh Luận nói, giọng rầu rĩ.
Cùng cảnh khó, nông dân Đặng Văn Sáu (xã Vĩnh An, huyện Ba Tri) thở dài: "Cả đời tui ở đây chưa từng thấy đợt hạn mặn nào nguy hiểm thế này. Ba công lúa hơn tháng tuổi đang xanh tốt thì sựng lại, cháy vàng từng ngày, đành bấm bụng cắt về cho bò ăn thay rơm".
Bên 5 công mía bị chết cháy từng ngày, vẻ mặt ông Võ Văn Quân (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) buồn rượi. Nông dân 58 tuổi cho hay, cả vùng bị nhiễm mặn, hơn tháng nay bà con chạy khắp nơi kêu bán mía giá rẻ nhưng chẳng ai mua.
"Thương lái vào rẫy bẻ vài cây nếm thử, nói mặn quá, trữ đường không đạt rồi lắc đầu ra về. Khó khăn vầy, nhiều người muốn cho không đám mía nhưng cũng chẳng ai lấy vì sợ tốn công thu hoạch mà bán không được", ông Quân nói.
Chính quyền huyện Cù Lao Dung ghi nhận, địa bàn hiện có 6.700 ha mía bị hạn, mặn hoành hành. Nhiều diện tích mất trắng, người dân có nguy cơ thất thu hơn 200 tỷ đồng. Độ mặn trong nhiều ruộng mía đang rất cao, 10-15‰. Ở những diện tích vừa thu hoạch xong, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con tạm ngưng trồng vụ mới nhằm hạn chế thiệt hại vì theo dự báo thiên tai còn kéo dài đến tháng 6.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Sóc Trăng, địa phương cần hơn 20 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân có diện tích sản xuất bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại về mía sẽ được hỗ trợ cao hơn vì chi phí gấp đôi lúa. Trong lúc chờ những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, một số địa phương đã trích quỹ ngân sách dự phòng hỗ trợ cho người dân khắc phục khó khăn.
Hiện, 12/13 tỉnh thành ở miền Tây bị “lũ mặn” tấn công. Trong đó, 8 địa phương đã công bố tình trạng thiên tai. Trên các sông chính trong khu vực, mặn vào sâu vài chục đến gần 100 km.
Gần 600.000 người thiếu nước sinh hoạt, hàng trăm nghìn ha lúa đông xuân, vườn cây ăn trái, rau màu, vùng nuôi thủy sản... bị thiệt hại nghiêm trọng. Hạn mặn còn đe dọa 0,5 triệu ha lúa hè thu vụ tới không thể xuống giống được; tương đương 1 triệu hộ dân với khoảng 5 triệu người gặp khó.
Cửu Long