Cầu thông xe khiến người dân hai tỉnh này rất hân hoan. Hàng trăm người sáng nay đã kéo đến "chạy thử cây cầu nghìn tỷ" và chụp ảnh làm kỷ niệm.
"Mấy chục năm sống ở đây nhưng chưa dám nghĩ tới cây cầu như thế này. Làm công việc kinh doanh thường xuyên đi lại 2 tỉnh, đi phà rất mất thời gian. Chưa nói là nhiều lúc sóng to, gió lớn cũng sợ. Nay bà con có thể dễ dàng qua lại làm ăn, thăm người thân rồi", ông Nguyễn Văn Minh (xã Bình Đông, thị xã Gò Công) nói.
Chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Phương An cho biết dù làm việc ở TP HCM nhưng thường xuyên về nhà ở phường 4, thị xã Gò Công. "Ngày thường còn đỡ, những ngày lễ phải chờ phà hơn cả tiếng, rất mệt mỏi. Nay có cầu thì nhanh hơn, thoát cảnh luỵ phà rồi", chị An nói giọng hồ hởi.
Cầu Mỹ Lợi dài hơn 2,6 km (phần cầu dài hơn 1,4 km), rộng 12 m bắc qua sông Vàm Cỏ nối liền quốc lộ 50, huyện Cần Đước (Long An) và thị xã Gò Công (Tiền Giang). Cầu giúp khoảng cách từ thị xã Gò Công về huyện Bình Chánh (TP HCM) chỉ còn 25 km, thay vì 100 km đi vòng ra quốc lộ 1 và đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, cầu Mỹ Lợi là công trình đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đảm ảo an ninh quốc phòng của 2 tỉnh Long An, Tiền Giang và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Cầu đưa vào khai thác đã phá vỡ thế độc đạo của tuyến quốc lộ 1A, giúp hai tỉnh này có động lực, cơ hội phát triển tốt hơn.
Theo Thứ trưởng, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn ngân sách, việc vận động nguồn vốn xã hội hóa là điều rất quan trọng. Trong năm 2013, 2014, đã có 135.000 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa phát triển giao thông. "Tiền Giang và Long An xem xét quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, khu dịch vụ để khai thác hiệu quả cầu Mỹ Lợi", ông Thể nói.
Từng triển khai năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng do khó khăn về vốn nên dự án này được chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 1.438 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư, bắt đầu từ tháng 11 sẽ thu phí và kéo dài hơn 28 năm.
Quốc lộ 50 dài hơn 88 km, là tuyến đường trọng yếu nối TP HCM đi vùng duyên hải phía Đông của tỉnh Long An, Tiền Giang, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Hiện, tuyến đường này được nâng cấp để chia sẻ lưu lượng xe với quốc lộ 1. Tuy nhiên, tại đoạn vượt qua sông Vàm Cỏ từ trước đến nay, các loại xe phải qua phà gây chậm trễ và hạn chế năng lực thông xe trên toàn tuyến. Mặt khác, đường dẫn xuống phà hẹp nên thường xảy ra ùn tắc.
Hữu Công