Theo ông Võ Văn Dũng -Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, Tổ trưởng tổ biên tập Đề án, việc tiếp dân như nêu trên là để nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là về những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Tổ biên tập Đề án sẽ xây dựng báo cáo các chuyên đề về công tác tiếp dân, đối thoại, xử lý những kiến nghị, phản ánh của nhân dân trong thời gian qua của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; vai trò của mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên trong lĩnh vực này... Đồng thời, tổ biên tập cũng tổ chức khảo sát tại một số địa phương, bộ, ngành; hoàn thiện Đề án, tờ trình và dự thảo Quy định, trình Bộ Chính trị trước ngày 30/10.
Luật tiếp công dân được Quốc hội ban hành năm 2013 đã quy định về trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan nhà nước. Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất một ngày trong một tháng, và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp theo quy định.
Tương tự, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất; với Chủ tịch UBND cấp huyện là ít nhất 2 ngày trong một tháng.
Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Ðảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy). |
Xuân Hoa