![]() |
Chướng ngại vật bằng thùng phuy đặt trước nhà số 30 Nguyễn Bỉnh Khiêm nối dài. |
Trên con hẻm cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nối dài (phường Đa Kao, quận 1), nơi tiếp giáp với bờ kênh Nhiêu Lộc, bà con đặt 2 thùng phuy sơn đỏ, trắng để ngăn các xe lớn vào hẻm. Còn ở đường nội bộ 115 Phạm Đình Hổ (phường 6, quận 6), người dân lại đặt biển báo cấm xe trên 1 tấn cùng chướng ngại vật là một thùng phuy kèm bảng chữ "Cấm xê dịch thùng". Ở khu quy hoạch Đinh Bộ Lĩnh - Chu Văn An (phường 26, quận Bình Thạnh), cả 6 đường nội bộ thông ra đường lớn đều có cổng chắn cao hơn 2 m.
Trước tình hình này, quyền chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh Nguyễn Văn Tiên khẳng định: "Phường không có chủ trương mà do các tổ dân phố tự làm". Ông cũng thừa nhận, việc lập cổng chắn như vậy dù đã được tổ dân phố thống nhất, nhưng vẫn là vi phạm Luật giao thông đường bộ và các nghị định của chính phủ về trật tự an toàn giao thông.
Ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), người dân lại bảo vệ đường bằng cách thu phí những xe tải lớn đi qua 14 cổng chắn tại 6 khu phố. Mức phí nằm trong quy ước bảo quản đường hẻm do các tổ dân phố thống nhất đề ra, các loại xe vận tải khi chuyển vật tư, hàng hóa qua đường này phải có nghĩa vụ đóng góp kinh phí duy tu, nâng cấp đường cùng dân khu phố. Xe 2,5-5 tấn đóng 10.000 đồng/xe; trên 5 tấn đóng 20.000 đồng/xe. Tại mỗi cổng chắn có một người quản lý, do nhân dân bầu chọn, trực 24/24h để thu tiền, giao phiếu thu cho chủ phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Ngà, cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi phường Hiệp Bình Chánh, cho biết tình trạng san lấp, xây dựng công trình đang diễn ra khá sôi động tại địa phương; nhiều tuyến đường nội bộ bị hư hỏng, kinh phí lại không có. Vì thế, bà con mới thống nhất lập ra quy ước bảo quản đường với mức thu nêu trên. Số tiền thu được sẽ trích một ít cho người quản lý cổng, còn lại nộp về phường để dùng vào việc sửa chữa, nâng cấp đường. Nhờ nguồn thu này cùng một phần trích từ tiền lao động công ích, thời gian qua khu vực đã nâng cấp được một số tuyến đường, sắp tới sẽ nâng cấp 3 tuyến khác như đường liên khu phố 3-4, đường liên phường, đường vào ụ tàu với tổng kinh phí trên 62 triệu đồng. Ông hiểu rằng việc người dân tự ý thu tiền như vậy là không ổn nhưng nếu không làm vậy thì không thể gìn giữ được những con đường này.
Trưởng phòng quản lý GTCC TP HCM Nguyễn Xuân Bảng nói rõ: "Người dân có bức xúc thì mới làm như vậy, song đã gây cản trở giao thông và phạm pháp. Việc thu tiền lại càng sai vì chỉ có cơ quan nhà nước mới đủ thẩm quyền quy định về mức thu phí, lệ phí". Ông Bảng đã yêu cầu các quận, huyện vận động bà con tháo bỏ rào chắn và tiến hành đặt biển báo, để vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa có thể xử lý vi phạm đúng luật.
(Theo Tuổi Trẻ)