Ngày 1-2/3, người dân ở các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để yêu cầu chính quyền có phương án hỗ trợ phù hợp khi thu hồi đất ven biển, dọc khu vực neo đậu tàu thuyền phía Đông đường Hồ Xuân Hương. Dải bờ biển này đã được giao cho tập đoàn FLC xây dựng dự án cải tạo từ cuối năm 2015.
Nhóm người chia thành từng tốp ngồi dưới nền đất hoặc trên vỉa hè trước cổng chính và cổng phụ dẫn vào trụ sở UBND tỉnh, quanh khuôn viên tượng đài Lê Lợi gần đó. Một số thời điểm người dân tràn ra lòng đại lộ Lê Lợi, mang theo bếp gas, mì tôm để nấu ăn tại chỗ.
Đề phòng tình huống ngoài kiểm soát, Công an Thanh Hóa đã lập hàng rào sắt phong tỏa đại lộ Lê Lợi dẫn vào trụ sở UBND tỉnh, đồng thời điều xe cứu thương túc trực.
Theo phản ánh của người dân, việc mất bến bãi neo đậu tàu thuyền khiến nghề đi biển truyền thống có nguy cơ "xóa sổ". Họ đã phản ánh lên chính quyền thị xã Sầm Sơn nhưng không được giải quyết triệt để.
"Vài năm trước, họ đã lấy đất nông nghiệp, đất rừng, giờ lại cấm không cho chúng tôi khai thác thủy sản. Cha ông chúng tôi bao đời nay mưu sinh chài lưới. Nay tỉnh thu sạch toàn bộ bến thuyền ở đây và dự định chuyển chúng tôi đến tận xã Quảng Hùng, cách cả chục cây số. Chúng tôi đánh bắt nhỏ lẻ con moi, con cá giờ việc đi lại, mang vác ngư cụ rất khó khăn", ông Trịnh Tứ Trọng (ở phường Trung Sơn) nói.
Người dân bày tỏ mong muốn giữ bãi biển làm chỗ sinh nhai. |
Ông Trọng và nhiều người mong chính quyền để lại một khoảng đất ven biển để họ neo đậu tàu thuyền, giữ nghề truyền thống. "Không có nghề nghiệp mưu sinh thì người dân biết sống ra sao", ông Trọng nói và cho hay các dự án du lịch nghỉ dưỡng ở bãi biển đã khiến cuộc sống bà con đảo lộn.
Ông Lường Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Cư cho biết, UBND tỉnh và thị xã có chủ trương cải tạo khu vực bờ biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, trong đó có đoạn đi qua thôn Hồng Thắng của xã. Theo quy hoạch, bến thuyền của ngư dân buộc phải sắp xếp lại.
"Dự án này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất truyền thống, bà con dù ủng hộ chủ trương của tỉnh nhưng họ yêu cầu chủ đầu tư để lại một khoảng đất neo đậu tàu thuyền. Không được chấp thuận nên họ phản đối", ông Hoàng cho hay.
Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Quyền đã gặp gỡ, đối thoại với người dân. "Tỉnh hứa tạo cơ chế chính sách tốt nhất cho người dân. Tuy nhiên, bà con chưa thỏa mãn yêu cầu nên không chịu giải tán", ông Kỳ nói.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giao Sở Xây dựng, UBND thị xã Sầm Sơn phối hợp với các đơn vị khác nghiên cứu phương án quy hoạch nơi neo đậu tàu thuyền phù hợp với mưu sinh của người dân.
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp bờ biển Sầm Sơn, Tập đoàn FLC chỉ là đơn vị trúng thầu BOT dự án quy hoạch và cải tạo lại không gian ven biển. Dự án do UBND Thị xã Sầm Sơn làm chủ đầu tư và đã thực hiện các bước tổ chức đấu thầu, xét thầu và lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật.
Phản hồi về sự việc, ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho hay Tập đoàn chỉ là đơn vị trúng thầu BOT, còn chủ đầu tư dự án là UBND Thị xã Sầm Sơn.
"FLC chỉ đầu tư và thi công cải tạo bờ biển sau khi UBND Thị xã Sầm Sơn bàn giao mặt bằng sạch, tương tự dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn. Mọi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề là do UBND tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, FLC luôn chủ trương ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương vào các dự án của mình. Thực tế, đến nay chúng tôi đã tạo việc làm cho hàng nghìn người dân Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung", ông Thắng nói.
Dự kiến, chiều 2/3 UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức họp báo để giải đáp những bức xúc của người dân.
Lê Hoàng