Gần trưa, giữa cái nóng hầm hập trời hè tháng 6, ông Vi Văn Thắng (61 tuổi, trú xã Thanh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn) nhễ nhại mồ hôi “nhảy” từ xe chở hàng sang xe ba bánh để di chuyển về nhà.
Sinh ra trong gia đình có 5 người con, Vi Văn Thắng là em út nhưng chưa đầy 2 tuổi sau một trận sốt cao, đôi chân yếu dần rồi liệt. Nhà nghèo khó, bố mẹ gắng sức đưa ông đi chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
“Đôi chân không thể đi lại như mọi người nhưng không vì thế mà tôi khóc lóc buồn chán. Hàng ngày người thân trong gia đình đi làm việc, tôi dùng ghế làm chân lê khắp nhà, nấu được nồi cơm, quét nhà, băm rau lợn”, ông Thắng nhớ lại.
Năm 10 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường, ông Thắng muốn đi học lắm. Trong nhà có người cháu ruột cùng tuổi, mỗi buổi chiều ông đều nhờ dạy chữ cái, ghép vần, đếm số. Ở nhà nhiều thời gian nên cứ rảnh rỗi ông lại mang bút, giấy ra tập viết, chỗ nào không hiểu thì hỏi người cháu hoặc anh chị, sau vài tháng ông đã tự xóa mù chữ cho mình.
Năm 14 tuổi, thấy việc di chuyển khó khăn, ông Thắng mày mò tự đóng cho mình chiếc xe 3 bánh bằng gỗ. “Hồi ấy tôi thấy người ta làm mộc rồi mình học mót để đóng cái xe 3 bánh, mỗi khi đi qua đoạn đường sỏi đá thì lại nảy tưng tưng. Hơi đau lưng một chút, nhưng tôi không phải quanh quẩn trong nhà nữa mà nhờ mọi người đẩy ra ngoài đi khắp xóm”, ông Thắng kể.
Nhận thấy nghề mộc phù hợp với mình, ông Thắng bỏ nhiều công sức học. Sản phẩm đầu tiên là chiếc hòm gỗ nhỏ đựng quần áo, đồ dùng cho cô dâu ngày cưới. Thấy đồ ông làm bền đẹp, các cô dâu trong vùng đều đến đặt hàng. Ngoài ra, ông còn đóng bàn, ghế, làm thêm nghề đan quạt nan, rổ, rá, nơm... phục vụ bà con.
Từ năm 1988 đến năm 1994, ông Thắng tự đóng bàn ghế và sắm trang bị học tập xin mở lớp 1 cho học sinh trong thôn. “Lớp tôi năm nào cũng có hơn 60 cháu, là con em trong thôn xóm, phụ huynh góp 15 kg gạo/năm cho mỗi cháu hỗ trợ tôi có kinh phí dạy. Được nghe trong sân nhà tiếng học sinh nô đùa, đọc bài, vui lắm”, ông Thắng hào hứng kể. Mặc dù thời gian làm ông giáo trường làng ngắn ngủi nhưng người dân thỉnh thoảng vẫn gọi là “thầy Thắng” khiến ông vui lắm.
Anh Đỗ Văn Hòa (30 tuổi) cho hay khoảng thời gian được học với “thầy Thắng” rất ý nghĩa, dù “thầy” chưa qua trường lớp nào nhưng phương pháp dạy dễ hiểu, dễ gần và “thầy” là tấm gương về nghị lực sống vươn lên vượt qua số phận để học trò noi theo.
Năm 1993, vợ mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, ông sống cảnh gà trống nuôi con khi 3 người con còn thơ dại. Sau đó, ông đi bước nữa với một cô gái miền xuôi lên khai hoang lập nghiệp. Cuộc sống tưởng bớt khó khăn thì năm 2003, người con trai 10 tuổi bị ung thư vòm họng, mất sớm.
Nhắc đến số phận mình, ông Thắng nghẹn ngào bảo ông trời tiếp tục thử thách gia đình thêm một lần nữa khi người vợ thứ hai phát hiện mắc bệnh tim không làm được việc nặng nhọc, còn ông bị chứng đau khớp hành hạ mỗi khi thời tiết thay đổi. Đôi tay không còn làm mộc tốt, ông Thắng chuyển sang chở hàng thuê bằng xe máy 3 bánh cũ. Ngày mùa thì ông chở thóc lúa, nông sản, lợn giống cho bà con, bình thường ông mua thu than rồi chở xuống Bắc Giang bán cho những nhà làm bánh tráng lấy lãi.
Số tiền ít ỏi kiếm được từ những chuyến xe hàng, ông Thắng dành dụm mua thuốc cho mình và vợ, tiết kiệm nuôi con cái ăn học. “Nhà tôi có 7 sào ruộng, chăn nuôi thêm gà vịt thì cũng đủ ăn. Ông nhà tôi đau khớp chưa bao giờ có giấc ngủ ngon, nhưng không bỏ buổi chợ nào. Lắm lúc trời mưa to hay nắng gắt quá tôi bảo nghỉ, nhưng ông ấy cứ nhất quyết đi làm vì trót nhận lời rồi sợ lỡ việc của khách”, bà Nguyễn Thị Thúy (45 tuổi) vợ ông Thắng cho hay.
Theo ông Sầm Văn Thao, Chủ tịch xã Thanh Sơn, gia đình ông Thắng thuộc diện hộ nghèo của xã, ông Thắng sống hòa thuận với xóm làng được bà con thôn xóm kính trọng. Mặc dù khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn nhưng ông là tấm gương về nghị lực vươn lên, làm công việc nào cũng tận tâm hết sức.
Hồng Vân