Ngay từ sáng sớm, tất cả các họ tộc người Chăm theo đạo Bàni đều tập trung về nghĩa trang ở làng mình, cùng nhau làm lễ tảo mộ, cúng bái và mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đây là phần lễ mở đầu cho Tết Ramưwan.
Sau khi dãy cỏ, dọn dẹp vệ sinh, vun lại nắm đất trên các ngôi mộ, chủ lễ tế sẽ thực hiện các nghi thức cúng truyền thống như tưới nước lên mộ với ý nghĩa tẩy uế và làm cho người chết được sạch sẽ, thanh khiết hơn; bày biện đồ cúng, đọc kinh...
Tết Ramưwan kéo dài một tháng với nhiều nghi lễ nối tiếp nhau. Sau lễ tảo mộ sẽ là cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng Ramadan cầu nguyện tại chùa, tháp...
"Trong những ngày này dù làm gì, ở đâu và bận rộn mấy đi chăng nữa người Chăm Bàni vẫn dành thời gian về quê, quây quần cùng gia đình và người thân", một cụ ông cho biết.
Theo các bậc cao niên, đây là sản phẩm văn hóa, tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc. Là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.
Bình Thuận là địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm sinh sống với hơn 41.000 người. Trong đó đồng bào Chăm theo Hồi giáo hiện có khoảng 15.000 người, phân bố ở một số xã thuần và 6 thôn xen ghép.
Lê Huân