16h30 ngày 2/1, tàu cá QNg 98459 cùng 10 ngư dân xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) được tàu bạn lai dắt, cứu hộ đưa về Đà Nẵng. Bần thần nhìn cabin đổ nát, buồng lái chỉ còn lại chiếc vô lăng, ông Huỳnh Hợp (chủ tàu) than: "Hôm qua nghe tin tàu bị đâm chìm, hai vợ chồng già tôi ngất lịm, không thiết ăn uống gì".
Con tàu 718CV này được ông cùng các con gom góp, vay vốn tiền ngân hàng đóng mới để vươn khơi xa, giao cho con trai Huỳnh Thạch cầm lái.
Sau những cái ôm động viên tinh thần người thân, các thuyền viên vừa trở về lập tức vào trình báo lực lượng biên phòng. Thuyền trưởng Huỳnh Thạch cho biết tàu vừa ra khơi hôm 31/12/2015, hành nghề lưới cản ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị khoảng 60 hải lý. Đến hơn 12h trưa ngày 1/1, ông đang lái cho tàu chạy với tốc độ 5 hải lý một giờ bỗng bất ngờ nghe tiếng động lớn bên mạn trái.
Ông Thạch phát hiện một tàu sắt dài khoảng 30m, cao gấp 3 lần tàu cá của mình đang đè phần mũi vào tàu mình. "Tàu này cố tình đâm tiếp một cú nữa cùng bên mạn trái khiến phần cabin tàu tôi đổ sập, chìm hẳn", ông Thạch kể và cho hay cú tông mạnh khiến 7 trong 10 ngư dân của tàu bị hất văng xuống biển.
Thuyền trưởng Thạch khẳng định khi tàu bị chìm, ông nhìn thấy có hai người nước ngoài đứng ở mũi tàu sắt. "Tôi nhìn thấy chữ Trung Quốc ghi trên tàu sắt, không nhìn thấy quốc kỳ và số hiệu. Họ chính là thủ phạm đâm chìm tàu chúng tôi", ông Thạch nói và cho hay nhận ra con tàu này là tàu cá.
Vẻ mặt thất thần, thuyền viên Trần Tiết (40 tuổi) cho hay khi tàu bị đâm, anh cùng nhiều thuyền viên khác đang ngủ trưa. Do biển có gió mạnh, ca bin đóng kín nên một số người còn thức cũng không quan sát thấy tàu sắt lao về phía mình để biết đường tránh né.
"Bất ngờ bị ngã văng xuống biển, tôi cùng nhiều thuyền viên khác chới với dưới dòng nước, cố bám vào thành tàu hoặc bơi đi tìm phao để khỏi bị chìm", anh Tiết kể và cho hay tàu sắt có mũi dài, cabin và thân sơn màu trắng.
Ngư dân Nguyễn Hồng Hào kể khi tàu bị chìm ông đã rướn hết sức để bơi thoát khỏi chiếc cabin đổ gãy tứ phía. "Anh em cũng cố sức bơi, tìm mọi vật dụng có thể bám để nổi trên nước mới thoát nạn. Khoảng nửa giờ sau, tàu bạn đến ứng cứu và chúng tôi gọi Icom về báo tin cho đất liền", ông Hào kể.
Con tàu sau đó nổi khoảng gần một mét trên mặt nước. Các ngư dân cùng nhau lặn vít lại vết thủng nơi vỏ tàu bị dâm, tát nước ra khỏi khoang máy, tàu nổi lại trên mặt biển nhưng tất cả thiết bị điện tử, hàng trăm tấm lưới bị hư hại toàn toàn. Dù con tàu chỉ còn lại phần xác, nhưng các ngư dân quyết kéo vể bờ mong được thanh toán bảo hiểm, bớt một phần nợ nần vì "nhân tai".
Thượng tá Nguyễn Ánh Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng quận Sơn Trà, cho biết sau khi lập biên bản, vụ việc sẽ được tiếp tục điều tra. Hiện, nhà chức trách chưa có thông báo cụ thể về tàu sắt được cho rằng đâm tàu của thuyền trưởng Thạch.
Trưa ngày 1/1, tàu cá QNg 98459 đánh bắt tại vị trí có tọa độ 17,7 độ vĩ bắc; 108,21 độ kinh đông, (cách đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị) khoảng 60 hải lý thì bất ngờ bị một tàu sắt đâm vào.
Cú tông mạnh khiến 10 ngư dân bị ngã xuống biển, tàu bị vỡ mạn, phá nước và chìm. Tàu sắt sau đó tiếp tục hành trình, bỏ mặc các ngư dân chới với kêu cứu. 6 tàu cá ở gần đó đã kịp thời có mặt ứng cứu, giúp đỡ các thuyền viên của QNg 98459.
Trước đó ngày 26/5/2014, tàu cá Đà Nẵng của bà Huỳnh Thị Như Hoa bị một tàu sắt của Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Bảy ngư dân trên tàu bị hất văng xuống biển. Phía tàu Trung Quốc không cứu người mà còn cản trở các tàu phía Việt Nam đến vớt các nạn nhân. Các ngư dân sau đó may mắn được cứu. Tàu cá sau đó được lai dắt về bờ, dự kiến được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Hoàng Sa (đang xây dựng) để tố cáo tội ác của tàu cá Trung Quốc với ngư dân Việt Nam. |
Nguyễn Đông