Sáng 11/12, đoàn công tác do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã về Quảng Ngãi kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương khẳng định vai trò quan trọng của ngư dân trên biển Đông và đề xuất chiến lược phát triển biển đảo trong thời gian tới.
Tàu thuyền xa bờ đang neo đậu ở gần khu vực ngọn hải đăng, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín. |
Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định: "An ninh kinh tế biển là đặc biệt quan trọng. Chủ quyền lãnh hải quốc gia thật sự trên biển phải là ngư dân, bởi lẽ họ là cột mốc sống. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư để đảm bảo an ninh, an toàn cho họ yên tâm bám biển, làm ăn lâu dài".
Đặc thù của vùng duyên hải miền Trung là kinh tế biển gắn liền với chủ quyền an ninh quốc gia. Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 5.680 tàu thuyền với gần 60.000 lao động hành nghề đánh bắt thủy sản trên biển, 1/3 trong số này hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Để có đội tàu mạnh vừa vươn ra khơi xa đánh bắt đạt hiệu quả vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đề xuất Nhà nước cần quan tâm giúp đỡ ngư dân hiện đại hóa phương tiện để đảm bảo an toàn.
Ngư dân chuyển cá đánh bắt từ vùng biển Hoàng Sa lên cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) tiêu thụ. Ảnh: Trí Tín. |
Quảng Ngãi có 28 xã ven biển, đời sống ngư dân còn gặp khó khăn, thiếu thốn. Để cải thiện cuộc sống người dân ở vùng ven biển, hải đảo, ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất: "Chính phủ cần có chương trình riêng, có chính sách để tạo điều kiện phát triển bền vững cho các xã ven biển, đảo. Một khi dân biển có giàu lên thì nền kinh tế biển của nước nhà mới có thể vững chãi được”.
Trí Tín