16h30 chiều 5/5, cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (đóng tại Đà Nẵng) chật kín người. Những người vợ của 34 thuyền viên tàu cá vỏ gỗ QNa 95959 TS không đứng vững khi nhìn thấy tàu cứu hộ SAR 412 chạy hết tốc lực về bờ. Họ tựa vào nhau, nước mắt giàn giụa.
Lần lượt 34 thuyền viên bị nạn được dìu lên cầu cảng. Những người vợ, như bản năng, lao đến ôm chầm lấy chồng mình, hôn dồn dập lên má. Họ ôm nhau khóc khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt. "Chuyến này em không cho anh đi biển nữa", một người vợ nói khi cánh tay siết chặt. Còn vợ thuyền trưởng Phạm Phú Thành (50 tuổi, quê xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cầm trên tay chai sữa, ép chồng uống cho bằng được.
Thuyền trưởng Phạm Phú Thành bật khóc trong buổi lễ bàn giao tại cầu cảng, khi nói rằng: "Dư luận hãy lên tiếng mạnh mẽ để ngăn chặn những hành động thô bạo, những việc làm vô lương tâm để trả lại vùng biển tự do cho ngư dân chúng tôi khai thác".
Xã Bình Minh, nơi cơn bão Chanchu năm 2006 cướp đi sinh mạng của 87 ngư dân nghèo. Những người như thuyền trưởng Thành sống với ám ảnh nhưng vẫn quyết chí bám biển, nơi những con cá giúp nuôi sống cả gia đình. Gần 2 tháng trước, ông cùng 33 ngư dân hùn vốn mua dầu, thực phẩm xuống tàu trực chỉ Hoàng Sa hành nghề câu mực.
Khoảng 23h ngày 3/5, ông Thành dừng tàu tại vùng biển Hoàng Sa để thả thuyền thúng cho 31 đồng nghiệp đi câu mực thì một tàu vỏ sắt lớn màu xám lao đến. Do đêm nên ông không nhìn thấy cờ hay số hiệu của tàu này. Trên tàu cá Quảng Nam chỉ còn ông cùng con trai Phạm Phú Nhân (20 tuổi) và thuyền viên Võ Thanh Trung (25 tuổi).
Linh tính chuyện chẳng lành, vị thuyền trưởng nổ máy cho tàu chạy vượt lên 2 hải lý để tránh né. Tàu vỏ thép vẫn bám theo trong đêm tối. "Tôi xuống tắt máy và khóa nước nhưng vừa lên khỏi khoang máy thì nghe tiếng rầm bên mạn phải", ông Thành kể. Cú tông mạnh khiến thuyền viên Trung đang nằm ngủ bị hất văng người đập vào cabin, còn Nhân hoảng loạn đã ngất lịm.
Thuyền trưởng Thành chụp vội chiếc bộ đàm để cầu cứu các tàu bạn khi thấy tàu của mình bị nghiêng, nước tràn vào khoang máy. "Chú Thành đỡ Nhân và nói tôi chạy ra ngoài cabin xem tàu thế nào thì phát hiện nước đã ngập khoang máy. Chỉ vài phút sau, con tàu chìm dần. Tôi vội lấy áo phao cho 3 người, xách theo can nước ngọt và chiếc đèn xạc rồi chạy lên giàn câu mực phát tín hiệu cấp cứu", ngư dân Trung kể.
Chừng 10 phút sau, tàu cá chìm hẳn ở tọa độ 19-00'N, 114-00'E, cách Đà Nẵng 370 hải lý về hướng Đông Bắc. Ba ngư dân đứng tựa vào nhau trên giàn câu mực mấp mé nước. Bốn phía là màn trời tối đen như mực. "Chúng tôi đã cầu cứu tàu sắt đâm chìm tàu mình, nhưng họ bỏ mặc rồi nổ máy bỏ chạy", Trung nhớ lại.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam lập tức phát thông báo đề nghị các tàu bắt cùng khu vực đến ứng cứu, thậm chí đã đề nghị Trung tâm cứu nạn hàng hải Trung Quốc (China MRCC) phối hợp tìm kiếm các ngư dân Việt Nam, nhưng 3 ngư dân trên con tàu chìm dường như tuyệt vọng khi không thấy bất cứ một ánh đèn nào.
"Chúng tôi nghe báo hiệu nhưng mất hết liên lạc với thuyền trưởng. Khoảng 3h sáng hôm sau thì gặp lại thuyền trưởng Thành, khi ông ấy đang nằm trên chiếc phao cứu sinh dưới biển lạnh", thuyền viên Nguyễn Hà (41 tuổi, xã Bình Minh) kể. Ba người bị nạn được đưa lên bờ khi toàn thân lạnh cóng và được các đồng nghiệp cởi áo ra choàng lấy thân sưởi ấm. Họ cứ lênh đênh trên biển khi tàu mình đã chìm hẳn, chỉ còn nhô lên mặt nước một phần mũi.
7h sáng ngày 4/5, tàu cá QNa 94998 TS đang hoạt động gần khu vực 34 ngư dân bị tông chìm đã lần theo tọa độ do Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cung cấp và tìm được 28 thuyền viên. Một giờ sau, 6 thuyền viên còn lại cũng được tìm thấy khi sức khỏe suy yếu, tinh thần mệt mỏi, hoảng loạn. Đến đêm 5/5, tàu SAR 412 gặp được các ngư dân và đưa họ về bờ.
Hướng ánh mắt đỏ hoe về phía biển, thuyền trưởng Thành tâm sự: "Đã bao nhiêu năm làm nghề rồi, giờ gặp nạn như ri đau thương quá. Nhìn con tàu mình đắm giữa biển Đông rất đau xót". Vất vả mưu sinh gần 2 tháng trời, tàu cá của ông Thành trữ được 30 tấn mực khô, giờ đều chìm xuống biển.
"Chúng tôi thiệt hại chừng 10 tỷ đồng. Trắng tay rồi", tiếng ông Thành như xa xăm, vô định.
Nguyễn Đông