Sau chuỗi ngày dài biển động, cuối tháng Chạp, tiết trời ấm dần lên cũng là lúc các đội tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi hối hả nạp nhiên liệu, lấy đá lạnh, lương thực thẳng tiến ra khơi đánh bắt thủy sản.
Ông Nguyễn Tấn Thành, chủ đầu nậu thu mua thủy sản ở Bình Châu, huyện Bình Sơn giải thích, dẫu biết rằng ra khơi trong thời gian này đồng nghĩa với đón Tết trên biển, không sum họp được với gia đình. "Tết này có khoảng 50 tàu thuyền xa bờ với hơn 600 ngư dân Bình Châu và huyện đảo đón Tết ở khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa", ông Thành cho hay.
Ngày tết cận kề mà các ngư dân vẫn tất bật đưa đá lạnh xuống khoang tàu, đổ dầu đầy các can nhựa, nước uống cùng lương thực đầy đủ gồm gạo, gà sống, bánh tét, thịt heo, nước ngọt và có cả những thùng bia. Chủ tàu Nguyễn Tấn Cư ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn thổ lộ, thông thường dịp Tết trời nắng ấm, cá, mực nhiều nên ra khơi đánh bắt dễ "trúng mánh". Sau Tết, tháng Giêng đầu năm giá thủy sản thường tăng vọt nên sau phiên biển này trở về anh em có thu nhập cao đón Tết muộn cùng gia đình.
"Phiên biển này anh em chúng tôi thẳng tiến ra vùng biển Trường Sa đánh bắt thủy sản. Sau khi kết thúc mẻ lưới vào chiều 30 Tết, chúng tôi đưa tàu ghé đảo Trường Sa Lớn chúc tết các bộ đội, chiến sĩ", ông Cư thổ lộ.
Tết năm 2013 thuyền trưởng Lưu Đình Dũng ở xã Bình Châu thắng lớn sau chuyến ra khơi nên năm nay, ông quyết đưa thuyền ra biển Trường Sa tiếp tục tranh thủ đánh bắt.
"Từ lâu chúng tôi xem bộ đội Trường Sa giống như anh em trong nhà. Họ thường giúp ngư dân sửa chữa tàu mỗi khi gặp trục trặc hay hỗ trợ nước ngọt, cho thuốc uống những lúc ốm đau. Đôi khi đánh bắt được mẻ cá lớn, tôi thường ghé đảo thăm các anh mang tặng vài cân cá gọi là "chút quà" nghĩa tình quân dân", ông Dũng kể.
Theo ông Dũng, với những ngư dân trẻ lần đầu đón Tết trên biển, khoảnh khắc giao thừa thường uống say rồi bật khóc vì nhớ nhà, nhớ người yêu, thèm giây phút sum họp gia đình trong mâm cơm ngày cuối năm. Để khỏa lấp khoảng trống ấy, anh em thường kể nhau nghe những chuyện vui, mang bánh tét, thịt heo muối, củ kiệu quê nhà bày ra nhâm nhi đón Tết. Sau đó cùng nhau lắng nghe chủ tịch nước chúc tết qua sóng radio.
Theo các ngư dân, ngoài giờ phút tiễn đưa năm cũ chào đón năm mới, với họ bữa cơm cúng đầu năm trên tàu phải chuẩn bị thật chu đáo. Bởi lẽ họ cho rằng một khi tỏ tấm lòng thành thì "thần biển" sẽ phù hộ thuận buồm xuôi gió, sau mỗi phiên biển trở về khoang tàu lúc nào cũng đầy ắp cá, mực trong suốt hành trình đánh bắt thủy sản của năm mới.
Tương tự như ngư dân Quảng Ngãi, dịp Tết năm nay, hàng nghìn ngư dân Bình Định hành nghề câu cá ngừ đại dương cũng đón tết trên biển. Theo thống kê của Đồn Biên phòng Tam Quan Nam ở huyện Hoài Nhơn cho biết, tết Giáp Ngọ năm nay có khoảng 200 tàu cùng với khoảng 2.500 lao động đánh bắt cá ngừ đại dương trên các vùng biển xa.
Ông Nguyễn Văn Chính, ngư dân ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn chia sẻ, trong chuyến biển vừa qua nhờ cá ngừ đại dương được mùa, được giá nên trừ chi phí các chủ tàu thu lãi từ 70 đến 100 triệu đồng. Nhiều tàu cá vừa cập bờ bán sản phẩm cho thương lái đưa đi tiêu thụ đã tranh thủ nạp nhiên liệu, đá, mua bánh mứt, rau xanh, gạo, thịt quay ra biển đánh bắt và đón tết Giáp Ngọ ngay trên biển.
Theo giá thị trường hiện nay, mỗi kg cá ngừ đại dương khoảng 80.000 đồng, có thời điểm lên đến 100.000 đến 120.000 đồng/kg (cao hơn năm trước khoảng 25.000 đồng/kg). Theo nhiều ngư dân Bình Định, dẫu biết rằng xa gia đình trong những ngày Tết là điều không ai mong muốn nhưng vì mưu sinh họ đành chấp nhận để sau chuyến biển trở về ăn tết muộn cùng vợ, con.
"Ở nhà vui mấy ngày, sau Tết không làm gì thì cả nhà thiếu thốn cũng chẳng vui vẻ gì. Tôi chấp nhận làm lụng xuyên Tết trên biển để đầu năm mới trở về được chủ tàu chia tiền "rủng rỉnh" về bù lại niềm vui tết cùng gia đình sau vậy", ông Trần Văn Lành ở xã Tam Quan bộc bạch.
Trí Tín