Vụ việc được TTXVN đánh giá là "phức tạp" xảy ra tại Giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Theo nguồn tin này, ngày 10/2, Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, soạn “thư ngỏ” kêu gọi các linh mục và cộng đoàn các Giáo xứ Hiệp Thông, cầu nguyện cho giáo dân Giáo xứ Song Ngọc đi gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa tại Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) vào ngày 14/2/2017.
Sáng sớm ngày 14/2 khoảng 500 giáo dân tập trung tại Giáo xứ Song Ngọc để đi vào tỉnh Hà Tĩnh. Khi đến xã Diễn Hồng (Diễn Châu, Nghệ An), cảnh sát giao thông đã tổ chức phân làn phương tiện tham gia giao thông khác đi vào một làn đường và đoàn giáo dân đi vào một làn đường để tránh ách tắc.
"Tuy nhiên, đoàn người không chấp hành và tiếp tục đi hàng 3, hàng 4 lấn sang làn đường của ôtô, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Lực lượng công an đã vận động giáo dân tập kết các phương tiện vào bãi đất trống bên lề đường để lãnh đạo tỉnh Nghệ An trực tiếp đối thoại với Linh mục Thục và bà con giáo dân", TTXVN nêu.
Quá trình tập kết vào bãi đất trống, theo TTXVN, Linh mục Thục đã "chỉ đạo" dừng xe ôtô 7 chỗ, ngồi ngay giữa quốc lộ 1A. Khi xe dừng, những người ngồi trong xe không chịu mở cửa buộc cảnh sát giao thông phải cẩu xe và người ngồi trên xe để giải phóng ách tắc. "Một số giáo dân quá khích cố tình không chấp hành nên đã xảy ra xô xát giữa giáo dân và công an".
Gạch, đá ném vào lực lượng chức năng đã làm 16 cán bộ bị thương (trong đó có Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) và làm hư hỏng 3 ôtô. Trong 16 cán bộ công an bị thương phải nhập viện có một người nặng nhất phải phẫu thuật tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, số còn lại đang được chăm sóc tại trạm xá Công an tỉnh. 21 người đã bị bắt giữ.
Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An nói về vụ việc ở giáo xứ Song Ngọc.
Trao đổi với VnExpress chiều 16/2, ông Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết, diễn biến vụ việc phức tạp nhất là cuối ngày 14/2 khi một số "phần tử quá khích" dùng gạch đá tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Tình thế buộc lực lượng chức năng phải giải tán đám đông, tạm giữ một số người. Tuy nhiên, ngay trong đêm 14/2 tất cả số người này đã được thả. Cơ quan công an tiếp tục làm rõ hành vi những người có hành động sai trái để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Trong sáng 15/2, tất cả bà con giáo dân đã trở về nhà, quay lại với cuộc sống hàng ngày. Tình hình an ninh tại địa bàn đã trở lại bình thường"", ông Đại nói.
Phó chủ tịch Đại thông tin, thời gian tới tỉnh sẽ có kế hoạch làm việc với Tòa Giám mục để vận động các chức sắc và bà con giáo dân trong toàn Giáo phận tin tưởng vào chủ trương giải quyết sự cố môi trường biển miền Trung của Đảng, Nhà nước, không có sự việc diễn ra như vừa qua.
Ông Lê Xuân Đại trả lời phỏng vấn chiều 16/2. Ảnh: Hải Bình. |
"Nếu bà con giáo dân có nguyện vọng nộp đơn khiếu kiện liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung thì lãnh đạo tỉnh Nghệ An sẵn sàng mời đại diện những người có đơn vào trụ sở tiếp công dân của UBND tỉnh để nộp đơn", ông Đại nói và cho hay, bản thân ông sẽ làm trung gian nhận đơn để trực tiếp gửi tới TAND thị xã Kỳ Anh, đồng thời theo dõi kết quả xử lý từ phía TAND thị xã Kỳ Anh để truyền tải tới cho công dân thông qua Tòa giám mục.
Bà Thái Thị Tân, Chánh án TAND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng khẳng định với VnExpress, nếu người dân có ý định nộp đơn, tòa sẽ xem xét, phân loại đánh giá và đưa ra quyết định. Lần trước nhiều người dân nộp đơn kiện Formosa, song tòa không thụ lý vì thấy không đủ cơ sở pháp lý. “Hiện tại vẫn chưa có một người dân nào ở Nghệ An vào nộp đơn khởi kiện Formosa tại tòa”, bà Tân nói.
Hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện đầu tháng 4/2016 tại vùng biển gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cuối tháng 6/2016, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận xả chất thải chưa qua xử lý làm hải sản chết hàng loạt và bồi thường 500 triệu USD.
Hải Bình - Đức Hùng