Để tránh tình trạng ô nhiễm do ngao chết, nhiều hộ dân phải vay mượn tiền thuê người và phương tiện làm sạch bãi sông.
Anh Vũ Văn Hà (Tiên Lãng) cho biết, năm 2016, gia đình được huyện chấp thuận cho nuôi ngao thử nghiệm tại bãi triều, do không đủ vốn nên anh đã huy động bạn bè cùng làm. Họ đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng tiền giống, ngao đang phát triển tốt thì đột nhiên chết hàng loạt.
"Không rõ do nguồn nước bị ô nhiễm hay do các tàu hút cát trái phép bên ngoài khu bãi nuôi ngao, khiến độc tố dưới lớp bùn sâu bị đảo lên... làm cho ngao chết", anh Hà nói.
Ông Nguyễn Thế Hiển ở thôn 1, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy cho biết, đây là vụ ngao đầu tiên gia đình ông đầu tư với 2,5 tỷ đồng tiền giống. Sau 2 năm, sắp đến kỳ thu hoạch thì "ngao há mồm chết trắng gần hết".
Trong khi tiền vay chưa trả xong, ông Hiển tiếp tục phải bỏ tiền ra thuê người thu dọn, làm sạch bãi với hy vọng vụ ngao tới sẽ bù đắp lại.
Theo ông Nguyễn Hữu Quân - Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, sau khi nhận được thông tin ngao chết, các cơ quan chức năng của huyện, thành phố đã xuống hiện trường kiểm tra, lấy ngao về xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong số 500 ha ngao nuôi thì có 100 ha xảy ra hiện tượng ngao chết.
"Nguyên nhân có thể do đợt nắng nóng vừa qua. Nước ở bãi ngao vào thời điểm thủy triều xuống thấp trùng với đỉnh điểm nắng nóng, chỉ còn 15-20 cm nước, không đủ để làm mát nên ngao chết", ông Quân nói.