Sáng 27/6, trong buổi họp báo quý 2 của Bộ Công an, trả lời câu hỏi liên quan kết quả điều tra nguyên nhân, dấu hiệu hình sự trong thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung, trung tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho hay theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an được giao nhiệm vụ phối hợp với các ban ngành điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật.
"Sự việc đang trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ nên Bộ chưa thể cung cấp thông tin. Chính phủ chỉ đạo trong tháng 6 sẽ cung cấp thông tin kết quả điều tra và rất có thể ngày 29 sẽ tổ chức họp báo công bố rộng rãi", ông Vệ nói.
Đầu tháng tư, cá nuôi lồng bè tại một số hộ gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Gần một tháng từ khi xảy ra sự việc, 4 tỉnh ven biển phát hiện khoảng 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết.
Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Nguyên nhân về động đất, sóng thần, dịch bệnh được loại bỏ.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ, khoanh vùng hai nhóm nguyên nhân là độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa. Tuy nhiên, nguyên nhân tảo nở hoa vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.
Một ngày sau, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận khuyết điểm khi các cơ quan chức năng lúng túng, xử lý chậm trễ và không có kinh nghiệm ứng phó sự cố có tính chất thảm họa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời chuyên gia từ Đức, Mỹ, Israel tham gia điều tra nguyên nhân cá chết, đồng thời lập đoàn liên ngành gồm đại diện các bộ và địa phương tổng kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng, nơi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có hệ thống ngầm xả thải ra biển.
Trong họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 2/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, đã xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt, tuy nhiên việc này không chỉ cần bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật với thủ phạm gây ra nguyên nhân đó.
"Bất cứ sơ suất nào trong xác định nguyên nhân cũng có thể dẫn tới sai lầm trong khắc phục hậu quả", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đánh giá sự cố môi trường lần này là nghiêm trọng chưa từng xảy ra, dư luận quan tâm tới nguyên nhân và cách xử lý hậu quả là xứng đáng, Bộ trưởng Tuấn khẳng định: "Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm thông tin cho người dân biết. Trong tháng 6, Chính phủ sẽ công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung".
> Chuyên gia phản bác nguyên nhân thủy triều đỏ làm chết cá
> Formosa thải ra môi trường những gì?
Bá Đô