Thảo luận về Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi vào chiều 23/3, nhiều đại biểu phản ứng gay gắt với quy định liên quan đến thay đổi độ tuổi trẻ em.
Cho rằng nâng tuổi trẻ em từ 16 lên 18 là "lợi bất cập hại", đại biểu TP HCM Trương Trọng Nghĩa phân tích, rất nhiều quốc gia trẻ em ngày càng trưởng thành, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, dân sự đang trẻ dần. Nếu trước đây là 16, thì bây giờ 14, có quốc gia chỉ 11, 12 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự, 7-8 tuổi đã chịu trách nhiệm dân sự.
Ở Việt Nam trẻ em là dưới 16 tuổi, 16-18 là vị thành niên, 18 trở lên là thành niên. Luật pháp có đầy đủ quy định cho ba lứa tuổi này.
"Nếu chúng ta quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em thì một loạt hành vi dân sự của các lứa tuổi này là sẽ phải tính toán lại. Chúng ta sẽ phải sửa Bộ luật hình sự: vấn đề kết hôn, giao cấu với trẻ em...", ông Nghĩa cho hay.
Trả lời cho những lo lắng về khả năng vi phạm công ước quốc tế về Quyền trẻ em 1990, đại biểu có chuyên môn sâu về luật khẳng định công ước quy định "trẻ em là người dưới 18 tuổi" nếu áp dụng thấp hơn cũng không có gì vi phạm.
"Hơn nửa thế kỷ qua chúng ta sống trong tinh thần như vậy, tham gia công ước 26 năm chúng ta vẫn sống như vậy và không hề vi phạm gì cả. Tôi xin hỏi vì lý do gì vào năm 2016 của thế kỷ 21 chúng ta lại đem khái niệm trẻ em phải là dưới 18 tuổi áp dụng? Để đạt được cái gì? Tôi chưa thấy giải trình thỏa đáng", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Theo ông, người từ 16-18 tuổi ở Việt Nam được ký kết các hợp đồng lao động. Vì vậy, "nói quy định mới không xung đột với quy định hiện hành, tôi không đồng ý. Tôi đề nghị chúng ta phải xử lý và giải trình tất cả các xung đột này trước khi thông qua", đại biểu TP HCM nhấn mạnh.
Cũng phản đối việc tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến, hiện nay trẻ trưởng thành sớm hơn trước. "Chúng ta không hạ thì thôi, lại còn tăng độ tuổi lên", bà gay gắt.
Đại biểu ngành y tế phân tích hai hệ quả nếu áp dụng độ tuổi mới. Một là không tương thích với luật khác, nảy sinh nhiều vấn đề cho xã hội, hai là ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. "Trong báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không ảnh hưởng gì tới ngân sách, như vậy đồng nghĩa với việc trẻ em cũng không được thêm gì nếu nâng tuổi. Vậy thì tăng làm gì?", bà thắc mắc.
Bên cạnh đó, theo phong tục vùng miền, nhất là đồng bào dân tộc phía bắc, dưới 16 tuổi đã có nhiều em tảo hôn, tuổi trẻ em cao lên thì số người lâm vào trạng thái kết hôn trái luật sẽ tăng.
"Với Luật nghĩa vụ quân sự, nếu đất nước lâm nguy phải tổng động viên, chẳng lẽ chúng ta tổng động viên cả trẻ em?", bà Lan đặt câu hỏi.
Ngoài ra, tăng lên 2 tuổi sẽ dẫn đến tình trạng trẻ em xâm hại lẫn nhau, yêu nhau cũng là phạm luật. Và nói một cách hình tượng, ngành y tế phải xây thêm khoa sản trong các bệnh viện Nhi.
"Đề nghị vẫn giữ độ tuổi trẻ em dưới 16. Và đề nghị bỏ phiếu lấy ý kiến riêng về vấn đề này", Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM kiên quyết.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền thì nhấn mạnh, nếu quan tâm đến trẻ em thì nên quan tâm đối tượng từ 16 tháng tuổi đến dưới 4 tuổi. Vì hiện nhà nước mới quy định trẻ 5 tuổi phải cho đến trường, còn 16 tháng đến 4 tuổi thì gửi vào đâu.
"Trường mầm non thiếu nặng nề, đặc biệt là ở các khu công nghiệp. Nhiều công nhân phải bỏ việc để chăm con. Vậy tại sao những cái đáng sửa thì chúng ta không sửa? Chính sách cho vị thành niên tuổi 16-18 hiện nay vẫn có chứ không phải không", ông Thuyền nói.
Cảm ơn đại biểu vì những đóng góp tâm huyết, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, sau khi hỏi ý kiến Chủ tịch, Quốc hội sẽ lấy ý kiến đại biểu bằng phiếu liên quan đến thay đổi độ tuổi và các vấn đề khác.
Dự kiến, đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) vào sáng 5/4.
Hoàng Thuỳ