Vài ngày nay, ngôi nhà của gia đình ông Lê Văn Thắm (xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nghi ngút khói hương. Bà con lối xóm nghe tin cậu con trai út Lê Văn Lãi qua đời nên kéo đến chia buồn, động viên. Tiếng khóc gọi tên con của bà Mai khản đặc khiến những người có mặt không thể cầm lòng.
Người thân phản ánh, sáng 13/4, anh Lê Văn Lãi (19 tuổi) ho và sổ mũi nên tìm đến nhà riêng của bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng (Trạm trưởng Y tế xã Hoằng Khánh) khám bệnh. Chẩn đoán anh Lãi bị viêm phế quản, sáng và chiều cùng ngày, bác sĩ Dũng đã tiêm 4 mũi thuốc Cepotaxem và Getamyxin.
Ở ngày điều trị thứ nhất, anh Lãi không có biểu hiện bất thường nhưng sang ngày thứ hai, toàn thân đỏ lên, người co giật, miệng nôn và đi ngoài liên tục…
Sáng 15/4, thấy anh liên tục co giật, miệng sùi bọt, người nhà vội gọi taxi đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng cấp cứu. Một ngày sau, do tình trạng bệnh càng nặng thêm, bệnh viện Hàm Rồng giới thiệu người nhà đưa anh Lãi ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu. Tuy nhiên, trên đường đi, nạn nhân đã tử vong.
Sau lễ an táng, nghi ngờ cái chết có điều bất thường liên quan đến quy trình điều trị của bác sĩ Dũng, gia đình làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.
"Em tôi là thanh niên mới lớn, chưa vợ con và nhiều năm qua không có tiền sử bệnh nan y. Ngày đón nhận hung tin, tất cả người thân và xóm làng đều bị sốc...", anh Lê Văn Hán, anh trai nạn nhân nói. Theo anh Hán, vì anh Lãi chỉ đi một mình nên người nhà không rõ bác sĩ đã tiêm thuốc gì và có thực hiện đúng quy trình không.
Trả lời người nhà bệnh nhân, tiến sĩ Nguyễn Đức Hưng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng cho biết, anh Lãi nhiều khả năng bị sốc phản vệ. “Bệnh nhân khi chuyển đến viện đã trong tình trạng nặng, nhiều cơ quan nội tạng, não bộ tổn thương phù nề, chẩn đoán có thể đã bị sốc phản vệ…", tiến sĩ Hưng nói.
Trả lời VnExpress chiều 18/4, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết, đã điều trị cho bệnh nhân Lê Văn Lãi nhưng phủ nhận trách nhiệm về cái chết của anh này.
Theo ông Dũng, sáng 13/4, anh Lãi đến nhà nhờ ông khám bệnh với biểu hiện đau đầu, chóng mặt. Ông Dũng chẩn đoán nam bệnh nhân bị viêm phế quản nên nhận lời điều trị tại nhà riêng mà không giới thiệu đến bệnh viện tuyến trên.
"Tôi sử dụng hai loại thuốc gồm Cepotaxem và Getamyxin tiêm bắp cho bệnh nhân. Trước khi tiêm, tôi đều thử theo đúng quy trình nhưng không thấy phản ứng thuốc nên điều trị bình thường. Tôi rất bất ngờ vì bị gia đình tố cáo gây ra cái chết cho anh Lãi. Mình làm phúc mà giờ phải tội, bị vạ oan", ông Dũng nói.
Vị Trạm trưởng này cho hay, một số người khuyên ông nên thỏa thuận chuyện đền bù với gia đình nạn nhân nhưng ông không chấp nhận.
Dù không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép bán thuốc hoặc điều trị cho bệnh nhân tại nhà riêng nhưng thời gian qua ông Dũng vẫn vi phạm. Năm 2013, kết luận thanh tra của UBND huyện Hoằng Hóa cho thấy "Ông Nguyễn Hữu Dũng khám và điều trị cho một số bệnh nhân tại nhà riêng, bán 18 loại thuốc tân dược nhưng không đăng ký kinh doanh và đăng ký hành nghề là vi phạm quy định của nhà nước".
Lý giải về việc không được phép điều trị cho bệnh nhân tại nhà riêng nhưng vẫn tiếp nhận bệnh nhân Lãi, ông Dũng thừa nhận sai phạm nhưng cho rằng, vì hôm đó là ngày nghỉ nên đã nể nang.
“Là bác sĩ mà người ta đến cấp cứu lại không cấp thuốc là không được. Thầy thuốc thấy người bệnh không thể không cứu giúp...”, ông Trạm trưởng nói.
Trong khi đó, người thân của anh Lãi khẳng định, bệnh tình anh Lãi không đến mức phải cấp cứu, vả lại ngày điều trị thứ hai (hôm 14/3) là ngày làm việc bình thường nhưng ông Dũng vẫn không chuyển bệnh nhân ra trạm xá hoặc cơ sở y tế đúng tiêu chuẩn là cố tình vi phạm để lấy tiền. Về vấn đề này ông Dũng không giải thích được.
Cơ quan điều tra Công an huyện Hoằng Hóa đã lấy lời khai của ông Dũng và các bên liên quan để xác minh vụ việc.
Lê Hoàng