Sau bữa cơm chiều vội vã ngày đầu tháng 7, anh Hà Văn Cảnh (37 tuổi, thôn Phú Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút) mang theo những dụng cụ khá thô sơ như lưỡi câu, lưới, mồi câu… gói gọn trong túi nylon nhỏ rồi ra sông Sêprêpôk kiểm tra lưới và giăng câu cá lăng.
Chiếc xe máy đi qua những con suối, đoạn đường mòn đầy sỏi đá mất hơn 30 phút mới ra tới mé sông. Mặt trời gần xế tà, anh Cảnh bơi chiếc thuyền độc mộc dẫn ra giữa sông. Anh cho biết bắt đầu nghề câu cá lăng khi lên 19 tuổi. "Học xong lớp 12, không có công việc ổn định, tôi nhiều lần theo chú ruột ra sông bắt cá. Thấy nghề sông nước có thu nhập, tôi xin chú đi theo làm đệ tử", anh nói về cái duyên đến với nghề câu cá lăng.
Theo anh Cảnh, người đi săn cá lăng, việc đầu tiên là chuẩn bị dây cước dài bằng diện tích mặt ngang của sông (gần 300 m). Sau đó, cách nhau cứ 10 m, một lưỡi câu được cột chặt ở sợi cước. Mỗi đoạn một được đặt cái phao làm bằng chai vỏ nhựa. Nếu cá lăng dính lưới, hay ăn mồi phao sẽ chìm.
Anh ngư phủ cho biết, đặc tính của loài cá này hay ăn mồi vào ban đêm. Muốn "chinh phục" được cá khủng, quan trọng nhất nằm ở khâu chuẩn bị mồi. Mồi được làm từ con cá mè dinh nhỏ bằng ngón tay cái hoặc con sâu đất. Nhưng nó phải còn sống, bơi trong nước cá lăng mới chịu ăn. Trường hợp mồi chết lâu ngày, bụng phơi trắng có để cả tuần cá không bao giờ cắn câu.
"Chiều nào cũng vậy, chúng tôi phải ra sông chèo thuyền kiểm tra kỹ lưỡng các vị trí đặt lưỡi câu để thay mồi. Câu cá lăng khó lắm, có khi cả tháng không có con nào, phải có kinh nghiệm về con nước, cách móc mồi vào lưỡi thì mới có cá. Nghề này đòi hỏi phải kiên nhẫn", anh nói và cho biết, đầu mùa mưa là thời điểm cá lăng xuất hiện nhiều nhất trên sông Sêrêpôk.
Dòng sông Sêrêpôk vào đầu mùa mưa khá tĩnh lặng, nước dâng cao vừa phải. Nơi câu của ngư phủ đặt gần đập thủy điện. Bởi khi thủy điện xả, nước sông dâng lên chậm, không chảy cuồn cuộn và xiết, lúc đó cá lăng trọng lượng 20-50 kg sẽ xuất hiện từng đàn, đi kiếm mồi. "Vị trí nào có mồi câu tươi, ngon chắc chắn cá lăng sẽ dính", anh Cảnh chia sẻ.
Gần 20 năm trong nghề, anh cho biết chỉ mới một lần câu được con cá nặng nhất trên 40 kg, cách nay hai năm. Còn con khoảng 25 kg thì thường xuyên. Mỗi lần bắt được cá "khổng lồ", anh phải nhờ đến chú ruột, mất hơn 2 giờ mới đưa được nó lên bờ. "Nhớ lần bắt được cá nặng trên 40 kg, con cá vùng vẫy đã làm thuyền lật úp. May mắn, tôi và người chú biết bơi nên không bị đuối nước", anh nhớ lại.
Hơn 40 năm trong nghề, ông Hà Thanh Diêm (62 tuổi) - người truyền nghề lại cho anh Cảnh - được xem là người tiên phong trong câu cá lăng ở thôn Phú Sơn. Do tuổi cao, nay ông ít ra sông hơn. Trong căn nhà nhỏ, ông cho biết, gia đình quê gốc ở Thanh Hóa, có 5 đời theo nghề câu cá lăng. "Nghề này đã nuôi sống gia đình chúng tôi, con cái học hành đến nơi đến chốn, xây được nhà cửa khang trang", ông Diêm hãnh diện.
Theo lão ngư, hiện ở sông Sêrêpôk cá lăng ít hơn, nhưng lại bán được giá, hơn 400 nghìn một kg. "Nếu trúng được cá to, thu nhập cũng được xấp xỉ 40 triệu mỗi tháng. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của khí hậu, kèm với nước sông Sêrêpôk đang bị ô nhiễm, khiến loài cá này ít đi, thu nhập chỉ được gần 10 triệu một tháng", ông Diêm chia sẻ.
Theo ông Hà Quang Âm, Trưởng thôn Phú Sơn, người dân ở thôn theo nghề câu cá lăng trên sông Sêrêpôk hàng chục năm nay. Hiện ở địa phương có khoảng 30 người theo nghề này, thu nhập khá ổn định. "Ban đầu chỉ có một số hộ di nhập cư từ Thanh Hóa đi câu, hiện nay nhận thấy nghề này có thu nhập, nhiều người đã theo đuổi. Nhiều hộ giàu lên nhờ câu cá lăng", ông Âm cho biết.
>> Xem video cá lăng 43 kg:
Thiên Thiên