Sáng 8/1, Bộ Y tế tổ chức buổi tọa đàm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với 3 chủ đề chính: trách nhiệm, thách thức, sẻ chia. Đây không phải lần đầu Bộ Y tế tổ chức hội thảo liên quan đến chất lượng bệnh viện nhưng là lần đầu ngành y tế đặt vấn đề "chia sẻ" lên bàn luận.
"Một số thầy thuốc có thái độ ứng xử, giao tiếp thiếu tính chuyên nghiệp, chưa coi người bệnh là khách hàng trung tâm, có thái độ ban ơn. Hiện tượng tiêu cực, vòi vĩnh, gợi ý, gây khó khăn để người bệnh phải cầu cạnh... vẫn còn; thậm chí công khai gợi ý bồi dưỡng phong bì ngay trước khi thực hiện kỹ thuật", ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.
Vấn đề tài chính cho khám chữa bệnh cũng nhiều bất cập, trong đó có lương cho cán bộ y tế. Nghề y là nghề đặc biệt, thời gian đào tạo lâu nhất 6 năm. Tuy nhiên, lương khởi điểm của bác sĩ chỉ xếp tương đương với cử nhân, không có gì đặc biệt. Trong khi đó, đa số các nước tiên tiến trên thế giới xếp bậc lương bác sĩ thuộc loại cao nhất, theo phó giáo sư Khuê.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta mới tuyển chọn, đào tạo đặc biệt chứ chưa đãi ngộ đặc biệt. Nhiều lần Bộ Y tế đã trình việc này song chưa được chấp thuận”.
Chung quan điểm trên, giáo sư Phạm Mạnh Hùng cho rằng, nên tách bạch giữa lương và thu nhập. Dù vậy, giáo sư Hùng cũng thừa nhận y đức đang có dấu hiệu đi xuống.
"Trong thời điểm hiện nay chỉ kêu gọi người thầy thuốc hy sinh thì không phù hợp. Vấn đề là giải quyết mối quan hệ giữa hy sinh và mưu sinh. Cần lưu ý nghề y không phải là một nghề kiếm sống, càng không thể là một nghề làm giàu. Bên cạnh đó, cần đổi mới vấn đề giáo dục đạo đức, gắn với vấn đề y nghiệp - tính chuyên nghiệp", giáo sư Hùng nói.
Vị nguyên Thứ trưởng từng chia sẻ, một trong những khuyết điểm của ngành y tế là không định hình và nhận dạng y tế trong thị trường là thế nào. Kinh nghiệm thế giới cho thấy đem một quy luật kinh tế áp dụng nguyên si vào y tế chưa chắc đã thành công.
"Y tế có đặc thù riêng nhưng không phải vì đặc thù đó mà chúng ta không chấp nhận kinh tế thị trường. Đã nói đến thị trường là nói đến cạnh tranh, công tư, hàng hóa, lợi nhuận. Những khái niệm này trong y tế là thế nào, lời lãi đến mức nào. Đây là câu hỏi được đặt ra", giáo sư Hùng nói.
Cũng theo ông, ngày xưa y tế là phục vụ, phục vụ là vô điều kiện. Nhưng ngày nay y tế là dịch vụ. Điều cần làm rõ là phục vụ khác dịch vụ ở chỗ nào, dịch vụ đòi hỏi điều kiện gì, đã là dịch vụ thì quan hệ trao đổi hàng hóa là thế nào.
Nam Phương