Khoảng 11h ngày 23/4, cơn mưa đá xuất hiện ở xã Tr’hy rồi lan rộng ra các xã A Xan, Ch’ơm và Ga Ry của huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam). “Các địa phương báo về cả 4 xã này bị cơn mưa làm trắng xóa. Họ nói chưa từng thấy trận mưa đá nào lớn và kéo dài đến vậy”, ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói với VnExpress.
Theo ông Linh, mưa đá xuất hiện lớn nhất ở xã Ch’ơm, kéo dài 2 tiếng và kèm giông lốc. “Một số ngôi nhà bằng tôn đã bị lủng. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất là hoa màu, đặc biệt, cây đẳng sâm hầu như bị dập nát hết sau cơn mưa”, ông Linh nói thêm và cho biết huyện đang cử cán bộ đi xác minh thiệt hại, bước đầu chưa ghi nhận thương vong về người.
Ông Hồ Đắc Vinh, Chủ tịch xã Ch’ơm mô tả một số hạt đá rơi xuống lớn bằng quả trứng gà, còn lại bằng ngón chân cái. “Kinh hoàng. Chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng này. Một số người dân hoảng sợ chạy vào nhà trốn”, ông Vinh nói.
* Mưa đá tại xã Ga Ry
Theo lực lượng biên phòng đóng tại xã biên giới Ga Ry, mưa đá ở Ga Ry không lớn như xã Ch’ơm nhưng giông lốc rất mạnh, kéo dài nhiều giờ. Nhiều ngôi nhà bị gió giật làm xiêu vẹo. Trên núi, một số khu vực người dân đang đốt rẫy để canh tác bị phủ trắng xóa.
Trước đó một ngày, 9 trên 11 xã của huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) cũng hứng trận mưa đá dài gần nửa giờ làm 700 ha hoa màu hư hại.
Quảng Phú và Quảng Vinh là hai xã thiệt hại nặng với 8 ngôi nhà bị tốc mái, cùng hàng trăm hecta lúa, mía bị ngã và gãy thân, rụng hạt.
"May mắn không có thiệt hại về người. Theo người dân thì hơn 40 năm nay, họ mới chứng kiến trận mưa đá có cường độ lớn như vậy", ông Hoàng Vọng, Phó phòng nông nghiệp huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) nói và cho biết nhà chức trách đang triển khai phương án hỗ trợ dân bị thiệt hại nặng.
Thời gian qua, mưa đá xuất hiện ở hàng loạt tỉnh thành như Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang làm một người chết, ít nhất 4.000 nhà và nhiều hoa màu bị hư hỏng.
Tiến Hùng - Đắc Đức