Sáng 21/3, Bộ GTVT huy động máy quét 3D đến khảo sát đáy sông, nơi cầu Ghềnh sập. Kỹ sư Nguyễn Tân Sơn (Công ty tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển TP HCM, đơn vị được Bộ GTVT chỉ định khảo sát) cho biết, máy quét 3D sẽ quét chướng ngại vật và đo chiều sâu để phục vụ công tác trục vớt tàu, khám nghiệm hiện trường.
Các chuyên gia sẽ dùng cáp treo đưa máy xuống đáy sông để chụp ảnh, quay phim trong bán kính 200 mét rồi truyền trực tiếp bằng định vị GPS tại một máy chuyên dụng để trên mặt nước.
"Ngoài máy quét 3D chúng tôi còn sử dụng máy hồi âm để đo độ sâu của đoạn sông này. Qua những số liệu thu thập được, chúng tôi sẽ cung cấp cho đơn vị thi công sửa chữa cầu làm đồ họa để lên phương án phù hợp nhất", ông Sơn nói.
Cũng trong sáng nay, một số sà lan chuyên dụng phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn được điều động đến hiện trường. Tuy nhiên, thủy triều trên sông Đồng Nai đang xuống, lộ một diện tích ghềnh đá lớn gây khó khăn cho việc triển khai.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT cũng có mặt để chỉ đạo công tác trục vớt và lên phương án khắc phục sự cố.
Trưa 20/3, tàu kéo sà lan chở 800 tấn cát từ miền Tây về Đồng Nai, khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy một mố cầu, 2 nhịp sập xuống nước. Nhiều người chạy xe máy trên cầu bị kéo tuột xuống mé nước.
Tai nạn khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt. Ngành đường sắt phải dùng xe khách chuyên chở hàng nghìn hành khách từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hòa để di chuyển và ngược lại. Tuyến đường sông qua khu vực này cũng được phong tỏa. Bộ GTVT cho biết phải mất từ 3 đến 5 tháng mới khắc phục được sự cố.
Sau một ngày lẩn trốn, hai tài công Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) bị bắt.
Phước Tuấn