Sau trận đánh ác liệt ngày 12/7/1984 tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), hàng trăm người lính hy sinh, ta chưa lấy lại ngay được các điểm cao như kế hoạch đặt ra. Quân ta được lệnh lui về phòng ngự và củng cố lực lượng, chờ thời cơ phản công.
Ông Đặng Việt Châu, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 cho hay "Chiến sự diễn ra ác liệt nhất là từ tháng 10/1984 đến tháng 3/1985. Thời gian này, quân ta và phía Trung Quốc giành giật nhau quyết liệt cao điểm 685 và bình độ 300-400",
Tháng 10/1984, ta bắt đầu tiến hành vây đánh lấn dũi, đào hào, đào công sự kiên cố, kết hợp tổ chức nhiều đợt tiến công - phòng ngự, vừa đánh vừa giữ để giành lại các vị trí bị Trung Quốc lấn chiếm. "Tụi lính trẻ ngày ngủ, đêm xuống lại bí mật đào hào từ dốc công binh, cửa hang làng Lò, lấn sang phải là bình độ 300-400, sang trái lấn lên cao điểm 685, tạo thế cài răng lược, nhằm hạn chế tối đa hỏa lực của quân Trung Quốc và giảm thương vong cho anh em", cựu chiến binh Nguyễn Đình Thắng, người kể chuyện của Sư đoàn 356 nhớ lại:
Sau nhiều ngày đánh lấn dũi và tổ chức các đợt tiến công, ta lấy lại được cao điểm 685. Phía Trung Quốc tổ chức tấn công để lấn chiếm lại. Giữa những ngày pháo rền vang ác liệt, những người lính Vị Xuyên vẫn kể cho nhau nghe về lời thề khắc trên báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, trung đội trưởng bộ binh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356.
Ông Thái Khắc Ba (59 tuổi), nguyên đại đội trưởng Đại đội 5 còn nhớ rõ, trước trận đánh cũng là những ngày giáp Tết âm lịch. Cánh lính trẻ ngồi kể cho nhau nghe về gia đình, về những lần đón Tết ở quê, còn mường tượng ra không biết cái Tết đầu tiên ở mặt trận thế nào. Ông thấy trung đội trưởng Ninh lúi húi khắc gì đó lên báng súng, rồi lấy kem đánh răng bôi lên. Dòng chữ màu trắng đục Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử nổi rõ lên. Chàng trai người Mường vỗ vỗ báng súng, tin tưởng: "Quân Trung Quốc dù đông nhưng đất của ta, ta quyết tâm giữ". Ông Ba biết việc khắc chữ lên báng súng là vi phạm nhưng không nói gì.
Trận đánh giữ vững điểm E5 của cao điểm 685 diễn ra trong thế giằng co ác liệt bắt đầu từ ngày 12/1/1985. Đến ngày 18/1, cả đại đội chỉ còn chưa đầy 20 người chiến đấu với một tiểu đoàn quân Trung Quốc. Trước đó, việc tiếp tế của bộ đội ta cực kỳ khó khăn do bị đối phương khống chế bằng pháo binh. Có lúc hậu cần không tiếp tế được cơm nắm, rau xanh, nước uống thì anh em đành nhịn đói, nhịn khát.
Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh bị thương đến ba lần. Hai lần đầu, anh bị thương vào tay trái rồi vào bụng nhưng vẫn không rời trận địa, đi thu nhặt súng, đạn và động viên, cổ vũ mọi người đánh tiếp. Ban đêm tranh thủ ngừng bắn, anh em chăm sóc vết thương cho nhau. Anh Ninh bị thương nặng cười yếu ớt, bảo vẫn còn sức ném lựu đạn cho trận đánh ngày hôm sau.
Sáng ngày 18/1, quân Trung Quốc dùng nhiều loại pháo bắn ác liệt và cho bộ binh đông gấp nhiều lần mở đợt tiến công mới. Lần này, anh Ninh bị thương ở chân nhưng vẫn chỉ huy đồng đội chiến đấu, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Đại đội trưởng Thái Khắc Ba sốt ruột, bảo lên cáng cứu thương để anh em đưa về sau nhưng anh không chịu.. Đến cuối ngày, Nguyễn Viết Ninh bị thương vào đầu rồi hy sinh. Trận đó, ta giữ vững được điểm E5 thuộc cao điểm 685.
"9 chữ trên báng súng của Nguyễn Viết Ninh đã trở thành lời thề trong tâm khảm của chúng tôi suốt thời kỳ ấy. Ai cũng đau đáu một điều rằng phải giữ đất, không cho kẻ thù tràn xuống Hà Giang", ông Ba xúc động cho biết.
Ngày 29/8/1985, liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau 30 năm nằm lại cùng đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), hài cốt anh được gia đình đưa về an táng tại quê nhà, xã Minh Hòa (Yên Lập, Phú Thọ).
Đón anh trở về, có người thân, bà con làng xóm, đồng đội năm xưa cùng chia lửa ở Vị Xuyên và cả những người bạn thời niên thiếu. Những người lính từng có mặt tại chiến trường Vị Xuyên năm xưa lặng lẽ cúi đầu trước anh linh đồng đội. Hơn 30 năm trôi qua, đồng đội không thêm một tuổi nào, còn họ thì cứ già đi mãi. Những câu chuyện khi đào hào, vận tải, trước giờ pháo kích, giữa hai đợt phản công được các cựu chiến binh kể lại cho nhau nghe một lần nữa.
Cựu chiến binh Hà Quang Thông, người bạn học, cũng là bạn đồng ngũ của liệt sĩ Ninh kể, hồi còn đi học, anh Ninh rất hiền lành. Học xong thì xin làm trong đội đóng gạch của hợp tác xã. Chiến tranh biên giới nổ ra, lứa thanh niên làng Phục Cổ mới 19 tuổi lên đường nhập ngũ. Mỗi người một đơn vị, người lên Lào Cai, người đi Lai Châu, người sang Hà Giang.
"Ngày ấy, chúng tôi ra đi với một tâm thế thoải mái, không nghĩ ngợi gì. Huấn luyện xong ba tháng tân binh còn được về thăm nhà một ngày. Mấy tên lính trẻ chia nhau mỗi người một tấm ảnh chân dung để làm ảnh kỷ niệm, cũng là di ảnh nếu chẳng may hy sinh.Trai tráng vào bộ đội năm ấy đều trở về lành lặn, chỉ có Ninh là nằm lại Vị Xuyên", ông Thông nghẹn ngào.
Trong ký ức của người em trai tên Nguyễn Văn Sơn, anh Ninh nóng tính nhưng cũng là người gương mẫu nhất nhà, luôn gánh gồng mọi việc thay các em. Ông Sơn kể, nhà nghèo đông anh em, mỗi bữa cơm hầu như đều phải ăn cơm độn sắn, ngô. Anh Ninh luôn ngồi đầu nồi xới cơm, ăn chậm, ăn ít nhất để nhường phần cho các em. Mỗi lần nhắc đến là các chị em gái trong nhà lại rưng nước mắt.Trước khi cha mẹ qua đời đều dặn dò các con phải cố gắng đưa anh về quê nhà an táng.
Mộ phần liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được an táng trong khu vườn của gia đình, giữa bát ngát chè xanh của miền trung du Phú Thọ, bên cạnh mẹ cha.
Hoàng Phương