Ông sang Pháp từ năm 1947, sau đó trở thành Giáo sư - Tiến sĩ giảng dạy tại Đại học Sorbonne nổi tiếng. Năm 1970, ông được chính phủ mời về thăm đất nước với vinh dự là người tham gia phong trào Việt kiều yêu nước từ những ngày đầu tiên. Giáo sư đã từng làm chuyên gia cho nhiều tổ chức quốc tế như UNESCO, UNDP...
Là nhà nghiên cứu kinh tế - xã hội, nhưng ông có nhiều công trình nghiên cứu trên các lĩnh vực khác. Cuốn Việt Nam lịch sử và văn minh xuất bản tại Paris năm 1955, cho đến nay vẫn là một cuốn sách hay. Đó là một trong những tác phẩm đầu tiên của nhà khoa học Việt Nam, được phổ biến ở nước ngoài và gây tiếng vang lớn.
Ngoài ra, ông còn cho ra đời những cuốn sách như: Lịch sử Đông Nam Á (1959), Đá tảng của tình yêu (1959), Cò trắng trên đồng, Marx - Engels và giáo dục... Có tác phẩm đã trở thành một bộ phận của từ điển bách khoa, sách nghiên cứu chính thức của UNESCO, như Xung đột văn hóa tại Đông Nam Á. Từ năm 1968, ông bắt đầu dịch Chinh phụ ngâm ra tiếng Pháp, giới thiệu một phần văn hóa Việt Nam với đông đảo bạn đọc trên thế giới.
Guinness Việt Nam thế kỷ XX ghi tên ông lần thứ hai cùng 533 tác phẩm nghệ thuật được sưu tầm trong một thời gian dài, từ 60 nước ông từng đi qua. Cách đây 8 năm, khi tròn 70 tuổi, ông đã có ý muốn trao tặng cho quê hương số cổ vật rất giá trị này. Ý tưởng ấy xuất phát từ nguyện vọng: "Hiến cho đất nước để đồng bào được biết thêm nền văn minh thế giới qua các cổ vật, đóng góp một phần vào sự nghiệp xây dựng văn hóa đất nước, mở rộng mối giao lưu và hiểu biết giữa các dân tộc".
Mới đây, GS Lê Thành Khôi về nước và mang theo dự định ấp ủ từ lâu: Thực hiện cuốn sách về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam.
(Theo Đại Đoàn Kết)