Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội chiều 24/3, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan dành nhiều thời gian nói về việc đóng cửa bãi rác Phước Hiệp và cho "đây là phát biểu chính thức của UBND thành phố, nên khép lại vụ việc".
Theo ông Hoan, Thủ tướng đã cho quy hoạch tại TP HCM 3 khu xử lý rác. Việc triển khai đều đúng quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư và tất cả các dự án đều có ý kiến của các bộ, ngành.
"Ngay cả việc nâng công suất từ 3.000 lên 5.000 tấn và đạt công suất tối đa 10.000 tấn cũng đã có ý kiến của các cơ quan và Chính phủ, chứ thành phố không thể tự đánh giá", ông Hoan nói.
Theo người phát ngôn của UBND thành phố, việc đóng bãi rác Phước Hiệp xuất phát từ thực tế khi người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng có chỉ đạo để khắc phục nhưng không triệt để.
"Không phải chỉ 1-2 ý kiến mà đi đóng cửa bãi rác. Nếu mức độ ô nhiễm chưa đến mức nghiêm trọng thì thành phố sẽ thuyết phục người dân. Nhưng ở đây người dân họ thấy bất an, chưa kể ngay bên cạnh là khu đô thị Tây Bắc gần 6.000 ha nên việc kêu gọi đầu tư suốt một thời gian dài rất khó", ông Hoan lý giải.
Ông Hoan nêu việc UBND thành phố đã báo cáo, HĐND thành phố cũng có ý kiến là cần phải xem xét xây dựng lộ trình tiến tới đóng cửa bãi chôn lấp số 3 của khu xử lý Phước Hiệp. Chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đều nói rõ lộ trình là giảm từng bước đến đóng cửa, giải bài toán lao động và giải quyết các khâu liên quan khác.
"Như vậy là rõ ràng, có cảnh báo, có lộ trình và công việc sẽ phải làm, không phải Ủy ban đóng cửa ngay. Hiện bãi chôn lấp số 3 vẫn tiếp nhận rác bình thường, chỉ ngưng nhận khối lượng lớn. Ở đây còn 2 đơn vị khác cũng đang nhận rác mỗi ngày 500-600 tấn. Thành phố cũng có chính sách cho người lao động về tiền lương, việc làm nếu đóng cửa bãi chôn lấp số 3", ông Hoan khẳng định.
Người phát ngôn của UBND thành phố nói thêm rằng, việc tạm ngưng tiếp nhận rác số lượng lớn tại bãi Phước Hiệp (huyện Củ Chi) để đưa về bãi Đa Phước không thể gây thiệt hại lớn như quan ngại trước đó của Thanh tra TP HCM. Nguyên nhân dự toán chi phí đầu tư bãi chôn lấp số 3 khu xử lý rác Phước Hiệp chỉ 970 tỷ đồng, trừ dự phòng phí, dự án còn vốn đầu tư 720 tỷ. Hiện đã đầu tư hơn 60% (tương ứng hơn 400 tỷ đồng).
"Đây là công trình vừa làm vừa tiếp nhận rác, chưa tính đến yếu tố khấu hao nên không thể nói lãng phí cả ngàn tỷ đồng. Chưa kể là UBND thành phố đã có chỉ đạo vẫn tiếp tục đầu tư hoàn thiện bãi này thành bãi rác dự phòng", ông Hoan nói. "Thành phố cũng kiểm tra, nhà thầu Hàn Quốc chỉ là đơn vị thi công bãi rác số 3 (Phước Hiệp) chứ không phải là đơn vị góp vốn, không có chuyện phải bồi thường chi phí đầu tư".
Về ý kiến cho rằng giá xử lý rác của ở bãi Đa Phước cao hơn những nơi khác, ông Hoan lý giải do dự án của doanh nghiệp tư nhân nên giá được tính đầy đủ các chi phí, kể cả chi phí vận hành sau khi bãi rác đóng cửa (trong vòng 24 năm). Còn doanh nghiệp nhà nước xử lý rác các chi phí có thể tính ở mức độ chưa đầy đủ hoặc thiếu.
"Giai đoạn đấu giá rác xử lý ở Đa Phước có cao hơn nhưng hiện gần như tiệm cận với các đơn vị xử lý khác. Mặt khác, UBND thành phố khống chế mức tăng giá xử lý rác ở Đa Phước theo chỉ số giá tiêu dùng. Nếu CPI tăng trên dưới 3% thì giá xử lý rác chỉ tăng ở mức 3% thôi”, ông Hoan cho biết.
Hồi đầu tháng 2, Thanh tra TP HCM kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố cân nhắc chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp rác số 3 - thuộc khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, huyện Củ Chi - nhằm tránh lãng phí ngân sách. Nếu vẫn quyết đóng cửa bãi rác, thành phố phải mất khoảng 1.000 tỷ đồng, gồm 600 tỷ đã đầu tư xây dựng và 400 tỷ dự kiến phải bồi thường cho nhà đầu tư Hàn Quốc - nhà thầu chính xây dựng bãi chôn lấp rác. Bãi rác số 3 do Công ty Môi trường Đô thị TP HCM làm chủ đầu tư và Liên danh nhà thầu KBEC (Hàn Quốc), bắt đầu nhận rác từ năm 2013. Tính đến đầu năm 2015, bãi rác đã hoàn thành xây dựng 70% diện tích và đang trong quá trình tiếp nhận 2.000 tấn rác mỗi ngày. Tuy nhiên, đầu năm ngoái, UBND thành phố có chủ trương đóng cửa bãi rác số 3, chuyển rác về khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bình Chánh). Chính quyền thành phố cũng đồng ý điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam nâng công suất tiếp nhận, xử lý của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước từ 3.000 lên 10.000 tấn mỗi ngày. |
Hữu Nguyên