Ngày 23/8, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ tiếp thu và chấp hành nghiêm túc kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm ở 6 dự án BOT giao thông - thực hiện trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, kết luận chỉ nêu số tiền sai phạm là gần 2.200 tỷ đồng chứ không nói đó là thất thoát.
Theo ông Hoan, có 1.400 tỷ đồng trong tổng số tiền trên được chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng ở dự án Xa lộ Hà Nội và việc này vẫn đang tiến hành.
TP HCM là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT, BT. Vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn nhưng ngân sách thì có hạn nên thành phố phải tìm vốn từ nhiều nguồn.
"Thành phố không tư túi, lợi ích nhóm trong các công trình này. Vấn đề đội vốn ở các dự án BOT không phải do kê khống hay làm ẩu phải sửa chữa, mà do giá cả tăng và khó khăn trong giải phóng mặt bằng", ông Hoan nói và thẳng thắng nhìn nhận: "Nguyên nhân nằm ở tầm nhìn. Mình làm cầu mà không lo làm đường, làm đường mà không làm nút giao thông. Đây là bài học kinh nghiệm của thành phố khi triển khai các dự án BOT".
Người phát ngôn của UBND TP HCM chỉ ra 2 điểm mấu chốt trong kết luận Thanh tra Chính phủ là thành phố bị cho "có thiếu sót" trong đấu thầu và chỉ định thầu. Đối với dự án cầu Phú Mỹ, ông Hoan cho biết, cầu phải gắn với đường dẫn kết nối. Tuy nhiên, cầu thì do Trung ương quyết định, còn đường thì do thành phố đầu tư.
"Thành phố chưa có tiền làm đường thì cầu đã xong. Nếu cho một nhà thầu khác vào làm đường kết nối thì phải đặt hai trạm thu phí - một trạm của cầu, một trạm của đường. Vì thế thành phố quyết định để nhà đầu tư cầu Phú Mỹ bỏ tiền làm thêm đường rồi cho kéo dài thời gian thu phí. Thành phố đã cân nhắc rất nhiều chứ không phải tự nhiên mà làm như vậy", ông Hoan giải thích và khẳng định điều này đã làm đúng theo Nghị định của Chính phủ.
"Kinh nghiệm lớn nhất rút ra là phải có tầm nhìn, quy hoạch từ đầu. Dự án BOT phải đồng bộ từ cầu đến đường, lưu thông phải toàn tuyến không cắt khúc, phải nghiên cứu quy hoạch các trạm thu phí sao cho hợp lý nhất để vừa có nguồn lực cho thành phố phát triển, vừa hạn chế chi phí của người dân và nhà đầu tư", ông Hoan nhìn nhận.
Về việc Thanh tra Chính phủ đề nghị nộp về ngân sách 41 tỷ đồng, ông Hoan khẳng định "thành phố sẽ nghiêm túc thực hiện" bởi số tiền này không phải do thâm lạm hay lợi ích nhóm mà là chi phí thuê nhà, trùng tu, duy tu… quyết toán chưa đúng.
"UBND thành phố sẽ triển khai ngay các giải pháp khắc phục, trọng tâm là công tác thanh toán quyết toán. Trong thực tế có một số nội dung theo kết luận thanh tra thành phố đã thực hiện rồi. Thành phố sẽ tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm để đóng góp cho chính sách chung của cả nước đối với các dự án BOT", ông Hoan nhấn mạnh.
Trong kết luận công bố hôm 21/8, Thanh tra Chính phủ cho rằng, hầu hết các dự án BOT và BT tại TP HCM đều chậm tiến độ dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư.
UBND TP HCM bị cho là thiếu trách nhiệm nên nhiều hợp đồng BOT, BT chưa đủ trình tự, thủ tục; điều khoản mâu thuẫn, sai quy định; tổng vốn đầu tư tăng sai dẫn đến thời gian khai thác thu phí hoàn vốn không đúng quy định...
Trong khâu thẩm định dự án, thành phố "có nhiều sai sót", nội dung dự án thiếu sự cần thiết phải đầu tư, phương án so sánh (như dự án xây dựng cầu Phú Mỹ và đường nối); không lập hồ sơ và báo cáo thẩm định dự án điều chỉnh tại cầu Phú Mỹ.
Tại dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, UBND TP HCM bị cho "đã để nhà đầu tư phê duyệt dự án vượt thẩm quyền"; phê duyệt chưa đầy đủ, thiếu tính chính xác, tăng sai tổng mức đầu tư tại dự án: cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A (đoạn An Sương - An Lạc); cầu Bình Triệu 2; xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành và TP HCM xử lý khoản tiền sai phạm được cho là gần 2.200 tỷ đồng. Trong đó, phê duyệt không đúng khoản tiền 1.400 tỷ đồng; phê duyệt tăng sai 67 tỷ đồng; giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị 90 tỷ đồng...
Các cá nhân và đơn vị liên quan sai phạm (thuộc UBND TP HCM, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bình Dương) bị kiến nghị kiểm điểm, xử lý.
Hữu Công