Tại hội thảo về nâng cao chất lượng xe buýt sáng 16/9, nhiều đại biểu đã phản ánh những bất cập về chính sách, hạ tầng và dư luận xã hội đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng.
Giám đốc trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết lượng hành khách đi xe buýt bắt đầu giảm. Năm 2014 đạt gần 470 triệu khách, năm 2015 chỉ còn khoảng 430 triệu và 7 tháng đầu năm 2016 giảm 9,5%. Các nguyên nhân được ông Hải nêu ra là: xe buýt cũ, nội thất xuống cấp, hệ thống thông tin không rõ ràng, sai lệch, vận hành thiếu an toàn, lái xe và nhân viên có lời nói hành vi ứng xử thiếu chuyên nghiệp…
Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật, lượng khách giảm còn do các điểm dừng đón trả khách đang thiếu, trung bình khoảng 700-800 m mới có một điểm. Cá biệt một số tuyến đường như đoạn Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) phải 2 km mới có điểm dừng đỗ. “Qua đường dây nóng, Tổng công ty nhận được phản ánh của sinh viên khu vực này là không thể đi bộ hàng km để đến điểm xe buýt được”, ông Nhật thông tin.
Phó tổng giám đốc cho rằng, toàn bộ xe máy hiện nay đi lẫn ôtô, các điểm dừng được bố trí bên phải đường và với khoảng cách 500-600 m có một điểm dừng nên xe buýt ra vào không tránh khỏi xung đột với phương tiện giao thông khác.
“Lái xe buýt làm việc liên tục 8-9 tiếng/ngày. Khi đến đầu bến được nghỉ 5-10 phút rồi tiếp tục vận hành. Gần như xe buýt phải loay hoay len lỏi trong rừng xe máy. Nên người lái xe buýt phải có thần kinh thép, nhiều lúc tôi nói đùa họ như những siêu nhân”, ông Nhật nói và cho rằng đối mặt với nhiều áp lực nên nghề lái xe buýt hiện không được nhiều người lựa chọn.
“Tôi có cảm giác nghề này như bị ghẻ lạnh, 5-10 năm trước đơn xin vào lái xe buýt phải xếp hàng nhưng giờ thì khác", ông Nhật chia sẻ.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, ở các nước tiên tiến, đội ngũ lái phương tiện công cộng được trang bị thiết bị cần thiết và công việc được tôn trọng. "Những người điều khiển phương tiện vận tải công cộng tại Việt Nam vì sao chưa được khuyến khích, tôn vinh?", ông Thủy nêu câu hỏi mà chưa được ai trong hội thảo giải đáp.
Theo số liệu của Tổng công ty vận tải Hà Nội, toàn thành phố hiện có 96 tuyến xe buýt với trên 1.500 xe, trong đó trợ giá hơn 1.200 xe; hiện có 2.210 điểm dừng đỗ, 370 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 77 điểm đầu cuối và 1,3 km đường dành riêng cho xe buýt.
Đánh giá trái chiều về xe buýt Tại hội thảo, Giám đốc trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải đưa ra thông tin phản hồi tích cực từ hành khách đi xe buýt. Theo đó, kết quả hài lòng từ gần 60 đến trên 80%. Cụ thể, 82% hài lòng với lộ trình tuyến; trên 70% hài lòng với giờ giấc xe buýt; 58% hành khách hài lòng với thời gian trên chuyển đi; 65% hài lòng với chất lượng phương tiện; 75% hài lòng với bố trí các điểm dừng; 72% đánh giá tốt về thái độ lái xe và nhân viên bán vé. Tuy nhiên, tham luận của Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh dẫn kết quả khảo sát của ngân hàng thế giới năm 2014 đối với những người đi xe buýt cho kết quả ngược lại. Theo đó, có đến trên 95% người đi xe buýt không thích dịch vụ xe buýt (phần lớn là học sinh, sinh viên) và chỉ có chưa đến 5% hài lòng với dịch vụ xe buýt (đa số người về hưu). |
Võ Hải