Sau khi quét qua Quảng Ninh, bão Rammasun đã ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền núi phía bắc, gây lũ lụt, sạt lở đất đá... Trong đó trận lũ lụt lịch sử xảy ra ở Lạng Sơn khiến địa phương này chịu thiệt hại nặng nề nhất cả về người và vật chất kể từ sau đợt lũ năm 2008.
Trong hai ngày 19 và 20/7, mưa to, lũ lớn trên lưu vực sông Kỳ Cùng, sông Thông, sông Bắc Giang, khiến toàn bộ thị trấn Thất Khê và 6 xã của huyện Tràng Định bị ngập sâu trong nước. Một nửa thành phố Lạng Sơn chìm trong biển nước, nhiều khu vực bị cô lập. Giới chức địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán hơn 5.000 hộ dân và di dời trên 1.300 quầy hàng tại khu chợ Giếng Vuông, chợ Đông Kinh...
Theo Cổng Thông tin điện tử Lạng Sơn, mưa lũ đã khiến 4 người chết, hai người mất tích. Thiệt hại về vật chất ước tính lên đến 460 tỷ đồng. Trong đó, trên 8.500 nhà bị ngập nước, gồm bị hư hỏng nặng và sập đổ hoàn toàn khoảng 700 nhà. Ngoài ra còn có 5.600 ha lúa (chuẩn bị gặt) bị ngập, trong đó mất trắng 2.300 ha; 112 trụ sở các cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm y tế xã bị ngập, hư hỏng.
Tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đều bị thiệt hại, quốc lộ 1B, 4A, 4B bị ngập úng, chia cắt nặng; 9 tuyến đường tỉnh bị chia cắt hoàn toàn, Ngoài ra nhiều công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng; cột điện cao thể gãy đổ.
Sau khi nước rút, địa phương đã thực hiện vệ sinh môi trường, đưa hộ dân trở về nhà ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ gia đình có người chết do lũ và hỗ trợ các gia đình thiệt hại về nhà cửa, tài sản.
Về thiệt hại do mưa lũ ở các địa phương miền núi phía Bắc, theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương thì tính đến 24/7, đã có 25 người chết do mưa, lũ, sạt lở đất; một người mất tích do lũ cuốn trôi; hai người bị thương. Ngoài ra, ba người chết và ba người bị thương do sét đánh; hơn 1.500 nhà bị sập, đổ, hư hại; hơn 6.000 nhà bị ngập.
Hương Thu