Về nước hơn 5 năm nhưng chị Lan ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long không thể quên được nỗi nhục ê chề về quãng thời gian làm dâu xứ người. 8 năm trước, qua mai mối, một người đàn ông Hàn Quốc chọn Lan làm vợ. Cuộc sống hạnh phúc chỉ thực sự là những ngày hai người ở Việt Nam, chờ xuất cảnh. Đăng ký kết hôn với người chồng đẹp trai, có việc làm, chị nghĩ mình sẽ được đổi đời. Nhưng mọi thứ sụp đổ khi chị đặt chân đến Hàn Quốc.
"Người đàn ông chung sống với tôi cả tháng trời thẳng thừng nói rằng chồng thật của tôi là em trai của anh ta, một người bị câm điếc, thần kinh", chị Lan kể và cho biết sau đó tìm hiểu mới biết người cưới cô là chỉ chồng giả, đã bán lại cho người khác, chứ cả hai không phải là anh em.
Bị nhốt trong nhà, không còn cách nào khác, chị phải chấp nhận sự thật trớ trêu, làm vợ của người đàn ông bị tật nguyền. Khốn khổ hơn, khi ba chồng - người thương chị như con ruột qua đời. "Mẹ chồng bắt tôi phải ngủ với con rể của bà để kiếm đứa cháu cho bà nuôi. Tôi cự tuyệt thì bị đánh đập dã man", chị rùng mình nhớ lại.
Một hôm, thừa lúc gia đình chồng đi vắng, chị trốn ra đường và chạy đến đồn cảnh sát kêu cứu. Cơ quan quản lý người Việt ở Hàn Quốc can thiệp, cuối cùng Lan được về quê trong tủi nhục nhưng rất may là còn mạng sống, gặp người thân, chứ không phải như nhiều cô dâu Việt khác đã phải tự tìm đến cái chết.
Xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 300 phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. "Giờ đây số lượng cô dâu trốn về nước xin ly hôn chồng ngoại tăng đáng kể, kéo theo nhiều hệ lụy về thủ tục ly hôn, con cái,... khiến chính quyền đau đầu", cán bộ địa phương nói.
Dân địa phương khó ngờ rằng Hoa - một cô gái xinh đẹp - lấy chồng Trung Quốc chưa đầy nửa năm lại về nước làm thủ tục ly hôn với bộ dạng tàn tạ. Hoa trốn khỏi nhà chồng rồi tìm đường về đến Hậu Giang mất hơn một tháng trời. Viễn cảnh lấy chồng nước ngoài để được đổi đời, có điều kiện giúp cha mẹ đã tan vỡ trong cô vì nhà chồng ở vùng hẻo lánh, khó khăn hơn các hộ nghèo ở quê mình.
"Ở nhà chồng mấy tháng trời, tôi ăn rau nhiều hơn cơm. Cuộc sống quá khổ sở, phải đến lần trốn thứ hai, tôi mới thoát được", Hoa nhớ lại và cho biết: "Nếu không trốn được ở lần đó, chắc tôi sẽ tự tử để được giải thoát".
Hay như trường hợp trắc trở trong cuộc hôn nhân với người Hàn Quốc của Thúy Diễm (cũng ở xã Vị Thắng). Trước cảnh nghèo khó của gia đình, 5 năm trước, Diễm quyết định nghỉ học, theo mai mối lên Sài Gòn tìm chồng Hàn Quốc với mong ước kiếm tiền báo hiếu cha me. Nhưng từ khi đặt chân sang xứ Hàn, cuộc đời Diễm thật nghiệt ngã. Không thể chịu đựng được sự hành hạ, đánh đập, xỉ vả, khinh miệt của chồng và mẹ chồng, Diễm ôm con nhỏ trốn về Việt Nam.
Diễm kể, do bất đồng văn hóa, ngôn ngữ, cô hiểu rất ít những gì chồng và gia đình chồng nói. Từ đó, mâu thuẫn vợ chồng liên tục xảy ra. Không cần nghe lý giải, người chồng luôn bênh mẹ ruột, đánh đập vợ. "Khổ quá, mình phải tự tìm cách giải thoát, nhưng không thể bỏ con thơ nên chỉ còn cách ôm bé trốn về quê ngoại, làm thủ tục ly hôn", Diễm bộc bạch.
Trường hợp của chị Thanh (xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) có phần may mắn hơn khi người chồng Hàn Quốc đồng ý ly hôn (theo phán quyết của tòa án gia đình Gwanggu), sau hơn 4 năm chung sống. Thanh tay trắng về nước làm thủ tục ly hôn theo pháp luật Việt Nam và được TAND tỉnh Hậu Giang giải quyết.
"Tôi cưới anh ấy do mai mối. Ở Hàn Quốc, tôi thường xuyên bị chồng ngược đãi, đánh đập, không chịu đựng nổi nên cả hai dắt nhau ra tòa. Bây giờ chỉ mong muốn tìm một việc làm ổn định, dành dụm ít tiền lo cho cha mẹ của mình", Thanh tâm sự.
Điên dại, mất mạng khi về quê hương
Từ năm 2000 đến nay, có khoảng chục cô dâu Việt đã bỏ mạng nơi xứ người, trong đó một số tự tử vì không chịu nổi cảnh ngược đãi, một vài trường hợp bị chồng sát hại. Nhiều người trốn được về nước nhưng sau đó trở nên điên dại...
10 năm trước, qua "xem mắt", Hằng (ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) kết hôn cùng người đàn ông Đài Loan. Khi về xứ người, dưới sự hà khắc, đánh đập của gia đình chồng khiến tâm lý của chị bất ổn rồi hóa điên không lâu sau khi trốn về quê.
"Khi đi thì nó tỉnh táo, xinh đẹp còn về thì lúc điên, lúc tỉnh, nhìn khổ lắm. Bữa nào lên cơn điên là nó đốt, đập phá hết đồ đạc trong nhà. Số tiền trị bệnh tâm thần gấp hàng chục lần nhận được lúc gả con", bà Thanh, mẹ Hằng, nói.
Cùng cảnh khổ, Trang (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng bị điên sau khi lấy chồng ngoại. May mắn là bây giờ cô đã được điều trị khỏi nhưng phận người dở dang, mẹ con ly biệt. Trang kết hôn cùng người đàn ông Đài Loan góa vợ và sinh được đứa con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, khi bé chưa đầy tháng thì cô bị chồng nhiều lần đòi quan hệ. Không chịu được những màn "tra tấn" của chồng, Trang bị khủng hoảng tinh thần, tìm cách về quê nhà, không lâu sau thì đổ bệnh.
Về nước Trang lơ ngơ, không nhận thức được gì nên thường xuyên bỏ nhà đi. Gia đình đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị. "Giờ nó đã ổn định lại rồi. Nó hay lấy điện thoại gọi sang Đài Loan để nói chuyện với con trai nhưng bên đó không ai bắt máy. Mấy bữa nó đòi sang đó bắt con nuôi về nhưng chuyện đó đâu có dễ", chị gái của Trang buồn rầu nói.
Cuối năm 2014, bà La (48 tuổi) không chịu nổi sự làm lụng khổ cực và hà khắc của người chồng 72 tuổi tên Lý A Đức (Đài Loan) nên trốn về quê (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) chờ ngày ly hôn. Thế nhưng, ông chồng không buông tha, sang Việt Nam tìm đến nhà bà nhiều lần tạt nước sôi và dùng dao sát hại nhưng may mắn được người thân can ngăn. Nghĩ tình, bà La khuyên gia đình làm đơn bãi nại cho chồng về lại Đài Loan.
Nhưng vài tháng sau, Lý A Đức lại sang, tìm đến nơi bà sống một mình ở Cần Thơ và sát hại. "Nhiều lần nó kể cuộc sống ở bên đó rất cơ cực, thằng Đức thì hà khắc. Con tôi ăn chay trường nhưng phải lên đồi làm suốt ngày. Cả tuần ông ấy chỉ cho con tôi ăn 6 miếng đậu hủ và hai bắp cải, không được coi tivi. Có khi nó đang luộc chuối ăn thì ông ấy tắt bếp vì sợ hao gas, con tôi phải ăn đồ sống", cha nạn nhân nghẹn ngào.
Theo thống kê, năm 2015, Cần Thơ có 1.263 cô gái lấy chồng nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc), tăng gần 300 trường hợp so với năm trước. Đồng thời, có 382 cô dâu về nước làm thủ tục ly hôn chồng ngoại, tăng 82 trường hợp so với năm trước. Tại Hậu Giang, năm qua có hơn 610 thôn nữ xách valy theo chồng ngoại quốc, trong khi có 172 cô về nước ly hôn.
Một cán bộ TAND Hậu Giang cho biết, phần lớn các vụ ly hôn chồng ngoại đều do vợ đứng tên theo hình thức đơn phương và đang có chiều hướng gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân như: bị hành hạ, ngược đãi; bất đồng ngôn ngữ, văn hóa; không sinh được con; quá cực khổ nơi xứ người; hoặc trốn về nước vì phải "làm vợ" nhiều người trong một gia đình (lý do này không nói trong đơn ly hôn)...
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Khoa - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) - khi cuộc sống hôn nhân đổ vỡ, phải về nước thì tâm lý của các cô dâu bị mặc cảm, không muốn ở lại địa phương. "Có một số em sợ mọi người khinh thường, dị nghị nên bỏ lên Sài Gòn làm những công việc 'nhẹ nhàng' hoặc tiếp tục xuất ngoại lấy chồng lần hai", bà Khoa nói.
Cửu Long
*Tên các nạn nhân đã thay đổi.