Chiều 23/3, mở đầu tọa đàm "Từ đề án 6.700 cây xanh nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội", giáo sư Phạm Ngọc Đăng (Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam) nhận định, đề án chặt 6.700 cây xanh của Hà Nội là không có cơ sở khoa học. Việc thành phố dừng chặt cây là chưa đủ mà cần mạnh dạn xin lỗi dân. "Nếu đã dừng thì Hà Nội phải có cách sửa chữa, có kế hoạch khắc phục và xử lý những người có trách nhiệm cao hơn", vị giáo sư nói.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, cho rằng thủ đô Hà Nội để lại ấn tượng với bạn bè quốc tế nhờ có hồ và cây đẹp. Nhưng Hà Nội đã mất rất nhiều hồ và giờ là cây xanh. "Chặt 6.700 cây xanh tức là 1/7 tổng số cây trồng hai bên đường phố ở Hà Nội, không khác gì đầu tôi rụng mất 1/7 tóc, thế thì thành đầu hói rồi", giáo sư Dũng ví von.
Theo ông Dũng cần truy cứu trách nhiệm những người đề xuất chủ trương này, chứ không chỉ là kiểm điểm. "Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyết định dừng và thanh tra lại toàn bộ, nhưng theo tôi vấn đề này nên để Thanh tra Chính phủ đảm nhiệm sẽ đảm bảo khách quan nhất. Hơn nữa Hà Nội nói chặt 500 cây, nhưng theo tôi biết thì con số đã lên đến gần 2.000 cây rồi", ông Dũng nói.
Đề nghị trên của giáo sư Lân Dũng nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia về đô thị và cây xanh.
Là nhà quy hoạch cây xanh đô thị, tiến sĩ Phó Đức Tùng đặt vấn đề: "Tại sao cây xanh ở Hà Nội bị mục nát, sâu bệnh. Chắc chắc đó không phải ngẫu nhiên mà là do kỹ thuật". Ông phân tích, trồng cây trong đô thị khác với cây trong rừng, hoặc ở vùng nông thôn, không phải cứ đào đất trồng là cây có thể sống được.
Về mặt pháp lý, theo các chuyên gia, hành động chặt, thay thế cây xanh vừa qua ở Hà Nội đã vi phạm Luật thủ đô. Điều 14 Luật thủ đô nêu rõ, nghiêm cấm chặt phá rừng và cây xanh. Điều 10 quy định, để lập quy hoạch thiết kế đô thị của 4 quận quan trọng trong nội thành thì phải trình Thủ tướng xem xét quyết định. "Luật Thủ đô do chính Hà Nội xây dựng có điều khoản cấm chặt phá cây xanh, trừ trường hợp bất khả kháng", luật sư Trần Vũ Hải (Công ty Luật Hà Nội) nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng khẳng định vai trò của cây xanh, bên cạnh việc bảo vệ không khí, nơi trú ngụ của nhiều loài chim chóc, ve sầu, cây xanh đô thị còn là người bạn thân của con người. Cây còn là chứng nhân lịch sự qua bao thế hệ. Cũng như con người, cây có bệnh thì phải chữa chứ không thể chặt ngay.
Quá trình triển khai đề án từng bước thay thế 6.700 cây xanh già cỗi, sâu mục, cong nghiêng của Hà Nội vấp phải làn sóng phản đối của người dân thủ đô. Vì vậy ngày 20/3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, đơn vị dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay và phê bình các đơn vị triển khai đề án chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh vì thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm, dù cùng một nhóm", chuyên gia thực vật Nguyễn Tiến Hiệp khẳng định sau khi nghiên cứu mẫu cây này. Đây là loại cây gỗ bình thường dùng để làm giấy ở vùng Yên Bái, Tuyên Quang. Cây này không thích hợp để trồng ở nơi đô thị vì lá rất thưa và khả năng sống không cao do điều kiện thổ nhưỡng ở Hà Nội không phù hợp. Cũng theo ông Hiệp, cây này không đúng theo tiêu chí quy định trong Nghị định về cây xanh đô thị, đó là tránh trồng các cây thu hút côn trùng hay sâu bệnh. |
Hương Thu