Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, liên tục cản trở, tấn công tàu cá ngư dân Quảng Ngãi ở vùng biển Hoàng Sa, chiều nay, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) họp bàn giải pháp giúp ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn ra khơi bám biển dài ngày.
Tại cuộc họp, ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu đời là ngư trường truyền thống của ngư dân địa phương. Quảng Ngãi hiện có hơn 5.400 tàu cá các loại, trong đó hơn 2.500 tàu đánh bắt xa bờ với hàng chục nghìn lao động chiếm số lượng nhiều nhất cả nước.
"Lúc trước, bà con ra khơi trên con tàu vỏ gỗ nhỏ lẻ theo gia đình. Trước hoàn cảnh mới hiện nay, chúng ta cần tính toán thay đổi cách làm ăn trên biển làm sao vừa an toàn trước thiên tai vừa đối phó được với địch họa. Chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép, liên kết ra khơi theo tổ, đội là hết sức cấp thiết", ông Chữ nhấn mạnh.
Theo ông Chữ, Nhà nước cần thành lập tổ tư vấn giúp ngư dân tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng vay với lãi suất ưu đãi đóng tàu vỏ sắt công suất lớn; đầu tư khu hậu cần nghề cá cho tàu vỏ thép gắn với hệ thống chế biến đảm bảo chất lượng, giá trị thủy sản mang lại thu nhập cho bà con ngư dân.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đề xuất, quá trình ban hành chính sách thủy sản, Chính phủ cần chú trọng gắn kết hai tiêu chí kinh tế với an ninh quốc gia.
"Trong đề án đóng tàu vỏ thép cần tạo điều kiện cho bà con góp ý, lựa chọn mẫu thiết kế cho phù hợp với từng ngành nghề trên biển. Bên cạnh ưu đãi chính sách vay vốn cho ngư dân, Nhà nước cần mở rộng diện ưu đãi cho những tổ chức, cá nhân thực hiện những dự án hậu cần nghề cá hỗ trợ ngư dân bám biển xa bờ", ông Huế kiến nghị.
Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV cho hay, Ngân hàng dành gói tín dụng khoảng 3.000 tỷ đồng cho ngư dân vay vốn để đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, trong đó ưu tiên đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển. Về vốn vay đóng tàu vỏ thép, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu (kể cả ngư lưới cụ, trang thiết bị) trong thời hạn 12 năm, lãi suất khoảng 3% mỗi năm.
Kết luận cuộc họp, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, sở hữu tàu vỏ thép là khát vọng từ lâu của ngư dân tuy nhiên đến nay mới chỉ có một chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trong số 5.400 tàu cá, vì tài sản thế chấp quá lớn.
Theo ông Thọ, với chương trình tín dụng này, BIDV đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc hỗ trợ ngư dân mạnh dạn đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Về phía tỉnh Quảng Ngãi sẽ có cơ chế hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho các máy trưởng, thuyền trưởng… để vận hành tốt các tàu vỏ thép trong tương lai gần.
Trí Tín