Chiều 2/3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn chủ trì buổi họp báo nhằm giải tỏa những khúc mắc với người dân liên quan việc thu hồi đất ven biển Sầm Sơn phục vụ dự án xây dựng khu vui chơi, du lịch.
Theo ông Tuấn, dự án không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương được phê duyệt tháng 10/2015 với mục đích mở rộng diện tích mặt nước, bờ biển; tạo bộ mặt khang trang cho thị xã Sầm Sơn, đồng thời góp phần thay đổi tình trạng du lịch một mùa suốt nhiều năm qua. Dự kiến sau khi hoàn thành, khu vực này sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.
"Tỉnh đã chọn nhà đầu tư là tập đoàn FLC và công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn tất. Quyết tâm của chính quyền là phải xong trước ngày 15/4, trước dịp khai trương mùa du lịch Sầm Sơn hè 2016", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn thừa nhận, khi dự án triển khai đã vấp phải phản ứng của người dân địa phương. Dọc bờ biển dài 3,5 km phía đông đường Hồ Xuân Hương hiện có 705 bè, mảng và mủng - những phương tiện đánh bắt truyền thống của cư dân bản địa nhiều năm nay. "Kế hoạch của tỉnh là sẽ di chuyển số thuyền bè này đi nơi khác hoặc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề phục vụ du lịch", ông Tuấn thông tin thêm.
Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ giải bản (tháo dỡ, phá bỏ) các loại tàu, bè nhỏ công suất dưới 20CV với mức 70 triệu đồng mỗi bè, 50 triệu đồng mỗi thuyền thúng. Những bè, mủng khi phá bỏ phải cam kết không đóng mới, mua mới.
Các hộ có tàu, thuyền dưới 20 CV giải bản đồng thời được hỗ trợ 30 kg gạo/khẩu/tháng (trong 6 tháng) để ổn định đời sống. Khi ngư dân tìm nghề mới, chính quyền sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng mỗi hộ có bè và 8 triệu đồng một hộ có mủng. Gia đình nào giải bản trước ngày 15/3 thì được thưởng 10 triệu đồng mỗi bè hoặc mủng.
Quyết định cũng nêu, hộ nào muốn đóng mới tàu 30- 400CV sẽ được hỗ trợ một lần sau đầu tư là 35% giá trị đóng tàu. Mức hỗ trợ thấp nhất là 125 triệu đồng, cao nhất là 250 triệu đồng.
"Quan điểm của tỉnh là làm gì thì làm đều phải đứng trên lợi ích của nhân dân. Gốc rễ của vấn đề là kế sinh nhai lâu dài cho bà con ngư dân, việc này cần giải quyết triệt để", ông Tuấn nói.
Trước kiến nghị để lại một đoạn bờ biển từ 500 đến 1.000 m làm nơi cho bà con neo đậu tàu thuyền, ông Tuấn để ngỏ và hứa sẽ trình lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét.
Dù chính sách hỗ trợ được đưa ra khá chi tiết, nhưng chiều nay một số ngư dân vẫn túc trực trước cổng trụ sở UBND bày tỏ chưa đồng tình.
Ông Trịnh Tứ Trọng (phường Trung Sơn) cho hay, hầu hết bà con chưa muốn nhận tiền hỗ trợ vì lo lắng mất kế sinh nhai lâu dài, con cháu rơi vào cảnh thất nghiệp. "Mấy chục triệu sẽ không kinh doanh hay buôn bán được gì. Khi hết tiền, không có nghề nghiệp ổn định chúng tôi sẽ sống ra sao", ông đặt câu hỏi và cho hay nghề chài lưới tuy vất vả nhưng cũng đủ sinh hoạt ổn định. Vả lại đây là nghề truyền thống, không thể nói bỏ là bỏ ngay được.
Hai ngày qua, hàng trăm người dân ở các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để yêu cầu chính quyền có phương án phù hợp khi thu hồi đất ven biển, nơi người dân thường neo đậu tàu thuyền.
Một số thời điểm người dân tràn ra lòng đại lộ Lê Lợi khiến công an Thanh Hóa phải lập hàng rào sắt phong tỏa đường dẫn vào trụ sở UBND tỉnh trong hai ngày.
Chính quyền đã tổ chức đối thoại nhưng chưa đạt được sự đồng thuận của toàn bộ người dân.
Lê Hoàng