![]() |
Các dân biểu trầm ngâm tìm lời giải cho sự trì trệ của hệ thống hành chính. |
Trước Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thừa nhận một trong 3 thiếu sót của Chính phủ nhiệm kỳ 1997-2002 là cải cách hành chính tiến hành chậm, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm. Theo thiếu tướng Đặng Vũ Liên, Phó tư lệnh chính trị Bộ Tư lệnh biên phòng, một trong những nguyên nhân là do trên bảo dưới không nghe. Ông đưa ra trường hợp khiếu kiện về công nhận liệt sĩ ở Hà Tây: Nguyên tổng bí thư Đỗ Mười đã ký giấy yêu cầu xem xét công nhận 10 năm, Bộ Quốc phòng cũng xuống địa phương làm việc nhiều lần, nhưng đến nay chính quyền Hà Tây vẫn chưa làm chính sách cho thân nhân liệt sĩ.
“Tôi cho rằng cải cách thủ tục hành chính 5 năm qua là không có kết quả”, đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) phát biểu. Đơn giản như việc cấp sở hữu nhà, chuyển nhượng tài sản, chưa nói đến dân, ngay cán bộ đi làm thủ tục cũng còn khó xong. Ông so sánh việc tinh giảm biên chế trong cải cách hành chính như “bóp quả bóng, được đầu này thì phình đầu kia”.
Kỷ cương yếu kém của bộ máy hành chính còn thể hiện ở việc Chính phủ đã quy định về loại xe, mức tiền mà quan chức được dùng để mua sắm. Vậy nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính tại kỳ họp 10, hàng loạt UBND tỉnh, bộ, ngành đã lỏng tay với tiền bạc công quỹ, sắm bằng được xe xịn. “Kỳ họp này không có chất vấn, nhưng theo tôi phải gửi ý kiến của đại biểu yêu cầu Chính phủ xử lý nghiêm khắc những cán bộ vi phạm”, ông Bùi Văn Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, nói. Theo ông, nếu xử lý không nghiêm với cấp trên thì cấp dưới sẽ tiếp tục vi phạm.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tâm, vấn đề kỷ cương phép nước “các báo cáo tự phê bình rất hay, nhưng sửa thế nào thì chưa thấy”. Nếu lần nào Chính phủ cũng kiểm điểm nghiêm khắc, nhận trách nhiệm, kỳ sau lại nhận lỗi về khuyết điểm tương tự, thì dân sẽ mất lòng tin. “Đi tiếp xúc với cử tri, thấy một vấn đề người ta hỏi mãi, tôi không biết trả lời thế nào”, ông Tâm thừa nhận.
Nhưng tìm lời giải cho vấn đề trên không dễ. Đại biểu Nguyễn Khánh cho biết ngay Chính phủ cũng chưa tìm thấy. Theo ông, vấn đề tham nhũng, vi phạm kỷ cương là có, nhưng phải thấy mối đe dọa lớn hơn. Đó là sự trì trệ, thiếu trách nhiệm trong bộ máy nhà nước. Thực tế ít quan chức dám trái lệnh trên, nhưng họ không thực hiện được do vướng hệ thống cơ quan đoàn thể, ban bệ... Những thành tố này níu kéo nhau, gây sức ỳ cho cả bộ máy, làm hao tổn sức lực của mỗi cán bộ, lãng phí con người.
“Chính phủ khóa này chắc sẽ chưa tìm ra giải pháp. Chúng ta hy vọng ở chính phủ nhiệm kỳ tới”, ông Khánh nói.
Nghĩa Nhân