Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục ra đời gây nhiều ý kiến trái chiều trong giới chủ sử dụng lao động. Anh Nguyễn Duy Linh, Giám đốc một công ty phần mềm có trụ sở ở Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết mặc dù nội quy công ty không có điều khoản nào nhắc đến quấy rối tình dục, nhưng những hành vi sàm sỡ, đụng chạm, hoặc nặng nề như tấn công tình dục đương nhiên là bị cấm. Còn việc trêu chọc, đưa chủ đề về tình dục vào những câu chuyện thì có thể chấp nhận.
Theo vị giám đốc này, việc xếp "liếc mắt đưa tình, nháy mắt liên tục" vào dấu hiệu quấy rối tình dục là hơi nặng nề. Công ty anh Linh có hơn 30 nhân viên, chủ yếu là nam thanh niên. Đôi khi hết giờ, sếp và nhân viên ngồi nói chuyện phiếm để giải tỏa căng thẳng. "Chủ đề của đàn ông đôi khi là câu chuyện xoay quanh dáng người cô này đẹp, cô kia eo thon. Nếu nhận xét như vậy được coi là quấy rối tình dục thì chắc là đàn ông không còn chuyện gì để nói", anh Linh chia sẻ.
Chị Vân Anh, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam, đánh giá việc ra đời bộ quy tắc là cố gắng lớn của các bên nhằm hạn chế nạn quấy rối tình dục đang diễn ra hàng ngày tại nơi làm việc. Nhưng để áp dụng bộ quy tắc đó vào thành nội quy của doanh nghiệp sẽ hơi khó. "Con người trong quá trình trưởng thành cần được giáo dục thường xuyên về nội dung này mới có hiệu quả. Còn khi đã hình thành nhân cách, việc đưa ra quy tắc để sau này luật hóa, hoặc quy định hóa, tôi thấy không hiệu quả", chị nói.
Theo chị Vân Anh, ở doanh nghiệp có hơn 90% lao động nữ như Canon Việt Nam, khi bộ quy tắc chưa ra đời công ty đã có một số quy định về lễ nghi, phép tắc để nhân viên biết cách ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau. Ngoài ra, mỗi cán bộ, nhân viên của công ty cũng đeo một loại thẻ "ba tự", bao gồm: tự chủ, tự thúc đẩy, tự quản lý. Nghĩa là từ người quản lý cho tới công nhân phải tự hiểu điều gì nên làm, điều gì không nên để kiểm soát hành vi của mình cho phù hợp trong môi trường làm việc.
Chị Trần Thị Hằng, quản lý bộ phận sản xuất một công ty liên doanh cho biết, đơn vị đã đưa quấy rối tình dục vào nội quy, nhưng chỉ chiếm một điểm nhỏ trong các quy định và không nói rõ quấy rối ở mức độ nào. Chị cho rằng người lao động nhìn chung ngại nói đến vấn đề này. Trên thực tế nhiều nữ nhân viên khi bị đồng nghiệp quấy rối có thể phản ứng lại bằng cách nói thẳng, nhưng khi người quấy rối là cấp trên lại rất khó nói ra vì lo sợ mất việc.
"Nhìn vào môi trường làm việc của người Việt Nam, việc tự ý thức được rất khó. Nếu đưa ra bộ quy tắc, rồi áp dụng thành nội quy nhưng không có chế tài xử phạt, không có chế độ bảo vệ những người bị quấy rối, đặc biệt là lao động nữ, liệu có tác dụng gì?", chị Hằng đặt câu hỏi.
Nhìn nhận ở một góc độ tích cực hơn, ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hải Dương hoan nghênh sự ra đời của bộ quy tắc. Bởi nó thể hiện sự tiến bộ xã hội, góp phần ngăn chặn quấy rối tình dục, vấn nạn tại một số môi trường làm việc. "Bộ quy tắc trên nếu được tất cả doanh nghiệp áp dụng, đưa vào thành nội quy sẽ góp phần làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên lành mạnh, tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế", ông Đoan đánh giá.
Ông Đoan cho biết bộ quy tắc mới ra đời nên chưa thấy khuyến nghị có áp dụng hay không. Vì vậy, chưa doanh nghiệp nào đưa bộ quy tắc vào nội quy, quy định của công ty. Với vai trò là chủ tịch của hiệp hội có hơn 300 hội viên, ông Đoan cho biết trong thời gian tới, nếu bộ quy tắc được phổ biến, sẽ nghiên cứu, áp dụng thành một phần nội quy của cơ quan hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, đồng thời vận động các thành viên sử dụng bộ quy tắc sao cho phù hợp với đối tượng, phạm vi, môi trường làm việc.
Bản thân ông đánh giá, để thực hiện được điều trên sẽ gặp nhiều khó khăn và cần phải có thời gian bởi vì bộ quy tắc không phải là văn bản pháp luật. "Trên thực tế, doanh nghiệp nào nhiều cán bộ quản lý nữ thì vấn đề quấy rối tình dục còn chưa thấy biểu hiện cụ thể. Còn đối với một số doanh nghiệp có đông cán bộ nam thì ít nhiều có dư luận về vấn đề này và việc áp dụng bộ quy tắc trên là rất khó", ông thẳng thắn bày tỏ.
Bà Mai Diệu Huyền, Trưởng phòng Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam thuộc VCCI cho biết, bộ quy tắc này mới được công bố vào ngày 25/5 và VCCI chưa xây dựng kế hoạch phổ biến tới các hội viên. "Do đó, chúng tôi chưa thể có một câu trả lời chính xác rằng doanh nghiệp có đồng tình đưa bộ quy tắc trở thành một phần nội quy, quy định của công ty hay không? Bộ quy tắc không phải là văn bản pháp lý bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, làm theo. Cần phải có thời gian, phương pháp khuyến khích để cho doanh nghiệp thấy áp dụng chỉ có lợi mà không có hại và làm theo", bà Huyền bày tỏ quan điểm.
Trong vòng hai năm (2012-2014), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam hỗ trợ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chương trình thí điểm về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Chương trình thí điểm có sự tham gia của 24 doanh nghiệp cả nước, hầu hết đều có phản hồi tốt về tác động của chương trình trong việc nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động. Phần lớn các doanh nghiệp ủng hộ vì quan điểm là luôn phòng hơn chống. Khi đưa ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc thành nội quy thì doanh nghiệp không mất chi phí, tốn ít thời gian, lại nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khiến người lao động yên tâm sản xuất, đặc biệt là những công ty sử dụng nhiều lao động nữ. |
Thanh Hòa