Ông Hoàng Ngọc Tiến, Giám đốc khu bảo tồn Đakrông (Quảng Trị) cho biết, nhiều ngày nay đàn khỉ về phá rẫy của người dân, gây thiệt hại rất lớn đến mùa màng.
Khỉ xuất hiện ở các bản Vũng Kho (xã Đakrông) và Tà Mên, Đá Bàn (xã Ba Nang, huyện Đakrông) vào thời điểm sáng sớm và chiều muộn. Những ngày nắng ráo, khỉ kéo cả trăm con về quét sạch cây trồng, phá tan rẫy sắn, ngô đang mùa ra hạt. Ngô bị khỉ cắn dở vương vãi khắp nơi, mặt đất chi chít dấu chân khỉ.
Anh Hồ Văn Tiên ở bản Vũng Kho nhặt những quả bắp còn sót lại khi đi thăm rẫy nói: "Đợt này khỉ về đông và phá cũng mạnh hơn. Mình đi luống bên này, chúng lại nhảy luống bên kia chứ không sợ gì người cả".
Trồng 2 ha ngô, sắn để lấy tiền đóng học cho con nhưng gần đến vụ thu hoạch thì bị khỉ phá sạch, anh Pả Kưng đau khổ: "Mình phải bỏ ra 2 triệu tiền giống ngô, gieo hạt, chăm bẵm giờ mất trắng. May mà nhà có trồng xen canh sắn, đang mọc cây non nhưng không biết có bị khỉ phá tiếp nữa không. Nếu bị phá chắc năm nay gia đình mình đói mất".
Cả rẫy ngô bạt ngàn xanh mướt trong chớp mắt đã tiêu điều, Pả Kưng nhặt nhạnh những gì sót lại mang về cho bò ăn. Theo anh, khu vực này trước kia có nhiều người canh tác nhưng vì khỉ phá liên tục nên họ bỏ nương rẫy đi làm thuê. Mùa khỉ về nhiều nhất thường từ Tết Nguyên đán đến hết hè, đặc biệt là dịp thu hoạch ngô.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại, người dân làm những con bù nhìn, treo dây có lục lạc hoặc đặt bẫy nhưng không hiệu quả. Khỉ vẫn về phá hoại và càng lúc càng dữ dội hơn.
Một số người khác còn chọn cách đi trồng sắn từ 4h sáng để tránh việc khỉ bắt chước người rồi phá hoại. "Thấy dân đào đào cuốc cuốc, chúng cũng bắt chước như vậy rồi nhổ hết hom sắn mới trồng. Dân đi rẫy sớm là để không cho khỉ thấy mà làm theo nhằm giảm thiệt hại", ông Trần Hữu Phương, Phó trạm kiểm lâm Ba Nang cho biết.
Theo anh Đinh Thiên Hoàng, phụ trách trạm kiểm lâm Đakrông, khỉ về phá rẫy của người dân là loài khỉ vàng, có thể từ khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông hoặc rừng phòng hộ. Tình trạng này xảy ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp nào khả dĩ để xua đuổi.
Ông Hoàng Ngọc Tiến, Giám đốc khu bảo tồn Đakrông chia sẻ nỗi buồn mùa màng bị phá hoại với người dân. Ông cho biết, đơn vị chưa có biện pháp nào hợp lý để tránh việc khỉ về phá cây trồng. "Việc này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bà con. Chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền để bà con không săn bắt khỉ", ông Tiến nói.
Hiện, cơ quan chức năng chưa có nghiên cứu cụ thể về số lượng cá thể, khu vực sinh sống hay tập tính di chuyển của đàn khỉ này để đưa ra giải pháp.
Tháng 6/2013, ở khu du lịch trằm Trà Lộc (xã Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị) một con khỉ đực đã phá phách, tấn công du khách. Tỉnh Quảng Trị cầu cứu chuyên gia bắn thuốc mê đến từ Thảo cầm viên thành phố Hồ Chí Minh với chi phí gần 20 triệu đồng.
Quang Hà