Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng chính quyền và nhân dân huyện đảo Phú Quốc đã cùng với ngành điện lực thực hiện thành công dự án quy mô rất lớn này. "Chúng ta đã thực hiện thành công niềm ước mơ nghìn đời, ước mơ lịch sử là có được điện lưới quốc gia", người đứng đầu Chính phủ nói.
Còn theo lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, đây có thể coi là sự kiện quan trọng đánh dấu vào sự phát triển của Phú Quốc, để nơi này trở thành đặc khu kinh tế - hành chính vào năm 2020 với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng theo đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Ảnh: Hành trình điện vượt biển Hà Tiên ra Phú Quốc
Kết quả lớn nhất của dự án sẽ giúp kéo giảm giá điện trên đảo hiện cao gấp 3 lần (những nơi đã có lưới điện) và gấp 16 lần (những nơi chưa có lưới điện) so với giá điện bình quân của cả nước. Trước đây, nhiều xã vùng sâu, xa ở huyện đảo này người dân phải mua điện với giá cao nhất nước (lên đến 25.000 đồng mỗi kwh). Nay nhờ có tuyến cáp ngầm đưa điện từ Hà Tiên ra, giá điện đã được kéo giảm xuống ngang bằng với giá ở đất liền. Nhiều người dân phấn khởi mua sắm thêm các thiết bị như tủ lạnh, quạt máy, tivi...
Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc có tổng số vốn đầu tư 2.336 tỷ đồng bao gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của EVN SPC. Tuyến cáp ngầm sử dụng loại cáp một sợi 3 lõi với tổng cộng hơn 57 km chiều dài (dài nhất khu vực Đông Nam Á tính tới thời điểm này). Điểm đầu của tuyến cáp ngầm bắt đầu từ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên và điểm cuối tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc.
Hữu Công