Chân dung của Bob Kerrey được gắn vào biểu tượng "Người đàn ông của thiên niên kỷ". |
Trước đó, khi từ Việt Nam về Mỹ, luật sư đã soạn và gửi thư cho ông Bob Kerrey với tư cách là luật sư đại diện cho nạn nhân. Bức thư đề ngày 13/6 và Bob Kerrey có 5 ngày để suy nghĩ trả lời đề nghị của John W. DeCamp nêu trong thư. Nhưng đến ngày 19/6 (tức là 20/6 giờ Việt Nam), Bob Kerrey vẫn im lặng.
Bức thư gửi Bob Kerrey
Trong bức thư DeCamp viết: “Jennifer (con gái của luật sư John DeCamp) từng là bạn của con ông, vẫn nghĩ ông là người tuyệt vời. Vì làm theo đề nghị của con tôi nên lá thư này chỉ được gửi duy nhất đến ông. Không có bản sao gửi cho người thứ hai, báo chí hay bất cứ nhân vật nào trên hành tinh này, trong vòng ít nhất năm ngày kể từ khi nó được gửi đến ông. Ông có cơ hội xem xét thật kỹ lưỡng và quyết định việc ông có thương lượng trực tiếp với tôi hay không về vụ việc. Thư này đề nghị ông và những người dưới quyền ông lúc bấy giờ bồi thường cho thân nhân còn sống sót của các nạn nhân bị giết ở Thạnh Phong.
Trước khi tôi viết tiếp, tôi xin trả lời những câu hỏi đang xuất hiện trong đầu của ông: (1) Vâng, tôi vừa ở Việt Nam 2 tuần. Trong thời gian đó, tôi có bỏ thời gian điều tra vụ việc; (2) Vâng, tôi đã ký kết với những thân nhân của 21 người bị giết, trong đó họ yêu cầu tôi đại diện cho họ; (3) Kèm theo bức thư này là bức ảnh tôi chụp cùng với một trong số thân nhân của họ; (4) Tôi tin rằng những điều tôi nói về vụ thảm sát Thạnh Phong dưới đây không lập lờ, không thổi phồng, cũng không sợ bị chứng minh là sai.
A- Đợt càn của các ông không được như ý kể từ khi gặp căn hầm thứ nhất, nơi một ông già, vợ ông ta cùng 3 đứa cháu ẩn trú. Vì thế các ông đã chọn cách giết người bằng dao để không gây ra tiếng động, nhằm đảm bảo an ninh. Không có ai trong số những người đó có trang bị vũ khí, cũng không có bắn trả hay bất cứ hành động nào đe dọa làm nguy hại đến ông.
B- Rõ ràng các ông không hề bị bắn dù trước hay sau khi giết người ở căn hầm thứ nhất. Các ông biết điều đó, tôi cũng biết điều đó và tôi chắc rằng ông trời cũng biết.
C- Đến căn hầm thứ hai, các ông gom các nạn nhân lại rồi hành hình tập thể. Trong số đó có ba phụ nữ mang thai gần sinh nở, một số trẻ em, người già. Tất cả đều không có vũ khí, không chống trả, không có hành động gì đe dọa hay biểu hiện đe dọa đến sự an nguy của ông.
D- Tôi có trong tay danh sách từng cá nhân bị giết, trong đó có cả những phụ nữ mang thai nếu ông muốn tôi có thể cho ông xem.
E- Những cá nhân mà tôi đại diện đều còn sống và sẵn sàng chấp nhận kiểm tra nói dối để chứng minh những gì họ nói đều là sự thật, đặc biệt là bà Bùi Thị Lượm (đứa bé 12 tuổi bị bắn nhưng còn sống sót) và Phạm Thị Lãnh.
F- Đứa bé 12 tuổi còn sống sót nay sẵn sàng cho các ông xem vết thương nơi đầu gối của cô ta, hậu quả do các ông bắn.
Tôi tin rằng hậu quả chiến tranh là thứ yếu, cái chính là điều mà anh bạn Bob Kerrey của tôi thường nhắc đến “hàn gắn”. Và từ những điều nói ở trên tôi đưa ra đề nghị:
Bob Kerrey thông báo chính thức đóng góp vào quỹ giúp những nạn nhân Thạnh Phong từ nguồn tài chính của bản thân và những người tham gia trong vụ thảm sát 2 triệu USD, để ít nhất có thể làm những việc sau đây: xây dựng đài tưởng niệm những nạn nhân (cả hai bên) ở Thạnh Phong; bồi thường cho những người còn sống sót ở Thạnh Phong; xây một ngôi trường, kéo lưới điện, trang bị những phương tiện truyền thông cho Thạnh Phong - ngôi làng nghèo nhất trong các ngôi làng nghèo; phát triển một số mô hình làm ăn, kinh doanh ở đây...
Tôi sẽ không làm gì trong vòng năm ngày như đã giao hẹn. Nếu tôi không nghe ông hoặc người đại diện của ông hồi âm, tôi sẽ gửi thư này đi và hành động như một luật sư đại diện cho nạn nhân".
"Công lý đòi hỏi nhiều hơn ở nước Mỹ"
Năm ngay sau khi lá thư được gửi đi, John DeCamp vẫn không nhận được phản hồi của Bob Kerrey. Ngày 17/6, Bob Kerrey còn tới một hội nghị ở Washington do một số Việt kiều tổ chức để trao tặng ông một "giải thưởng cộng đồng", tỏ lòng ủng hộ cựu thượng nghị sĩ Kerrey. Tại hội nghị này, Bob Kerrey lặp lại lời "xin lỗi vì cái chết của những người dân Việt Nam vô tội 32 năm trước", nhưng nhất quyết rằng ông và các binh lính dưới quyền không thực hiện việc giết hại thường dân (theo tờ Journal Star 18/6).
Chính vì vậy, John DeCamp đã gửi thư cho các Thượng nghị sĩ John McCain, Chuck Hagel, John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng D. Rumsfeld. Trong đó có đính kèm theo bức thư do luật sư viết gửi Bob Kerrey.
Trong thư, luật sư John DeCamp nhấn mạnh: "Nếu cuộc điều tra của các ông đi đến kết luận: (1) Vụ thảm sát thật sự xảy ra, (2) Người kể sự thật là G. Klann và hai người phụ nữ Việt Nam, (3) Hành động của Bob Kerrey đã vi phạm công ước Genève, luật nhân quyền do Mỹ bày ra, khi đó và chỉ khi đó tôi sẽ đại diện thân chủ yêu cầu xin lỗi, bồi thường...
Theo lời Bob Kerrey kể cho các ngài Thượng nghị sĩ McCain, Hagel, Kerry, ông ta quả là người hùng, còn những người dân ở Thạnh Phong bị gán cho cái mác là kẻ nói dối, kẻ cơ hội. Nhưng tôi có thể chứng minh sự thật hoàn toàn ngược lại với những gì ông ta kể...
Những chứng nhân của vụ việc và những người phải chôn cất nạn nhân sau đó đều kể như nhau, dù đã 32 năm. Những câu chuyện lịch sử truyền miệng đó không phải mới được dựng lên vài tháng hay vài năm nay. Có thể xác định điều này dễ dàng. Những xác nghiệm bằng những phương tiện khoa học kỹ thuật nếu muốn tìm sự thật. Tôi gửi thư này trước khi tiến hành những bước kiện tụng tiếp theo giúp các nạn nhân. Một lần nữa, xin nhắc lại yêu cầu của tôi là mở một cuộc thẩm vấn đều tra theo luật, do các cơ quan chức năng tiến hành và giám sát về những gì đã xảy ra ở Thạnh Phong đêm 25/2/1969. Nếu tôi vẫn không nghe các ngài trả lời trong vòng ba tuần, một khoảng thời gian hợp lý, tôi sẽ xem như các ngài không quan tâm, tôi sẽ chính thức kiện.
Kerrey nói giờ đây ông ta đã thanh thản với những gì xảy ra đêm đó, nhưng đáng tiếc thay, những nạn nhân, con cái và cháu của những người bị giết thì không hoặc ít ra vẫn chưa thanh thản. Kerrey có huân chương. Còn họ có những nấm mồ. Công lý đòi hỏi nhiều hơn ở nước Mỹ".
(Theo Tuổi Trẻ)