Đề án đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long do Đại học Cần Thơ xây dựng, phối hợp cùng các địa phương thực hiện từ 10 năm trước. Mục tiêu của chương trình là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, sau đó về phục vụ phát triển miền Tây. Kinh phí dự kiến là 49,3 triệu USD, từ ngân sách địa phương.
Theo đề án, các ứng viên tham gia chương trình cam kết học xong phải trở về làm việc cho địa phương ít nhất 3 lần thời gian đào tạo, nếu không sẽ phải bồi thường kinh phí gấp 3 lần số tiền ngân sách bỏ ra. Các ngành học chủ yếu là: kinh tế, tài chính, thương mại, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp, thủy sản...
Tuy nhiên, hiện chỉ có 552 lượt ứng viên đi đào tạo ở 160 viện, trường tại 23 quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện hơn 19 triệu USD, tương đương hơn 34.200 USD mỗi thạc sĩ, 59.100 USD mỗi tiến sĩ. Trong khi dự kiến ban đầu, một thạc sĩ là 20.000 USD, tiến sĩ 30.000 USD. Theo kế hoạch, tỷ lệ tiến sĩ được đào tạo chiếm 20% trong số ứng viên nhưng thực tế chỉ có 9%.
Vướng mắc của đề án lúc triển khai là đội ngũ công chức, viên chức được tuyển chọn phần lớn bị loại vì yếu ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). "Đợt đầu, có gần 20 trường hợp bỏ chương trình vì không chịu nổi ngoại ngữ. Thậm chí có trường hợp bồi dưỡng ngoại ngữ 2-3 năm vẫn không đạt yêu cầu", một cán bộ phụ trách chương trình của tỉnh Vĩnh Long nói.
Từ thực tế này, các địa phương phải chọn ứng viên là sinh viên mới ra trường, đưa đi bồi dưỡng ngoại ngữ. Theo Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ Phạm Việt Dũng, hiện có gần 400 ứng viên hoàn thành khóa học về công tác tại các địa phương, phần lớn được đánh giá có tác phong, năng lực tốt. Nhưng không ít trường hợp đã tìm cách ở lại nước ngoài. Hoặc có trường hợp làm việc rất nổi trội nhưng cố tình thi rớt biên chế nhằm ra ngoài làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn với mức lương cao.
Trường hợp ông Trần Ngọc Phi Long - Phó phòng Hợp tác Quốc tế, Sở Ngoại vụ Cần Thơ - là một điển hình. Ông Long từng được cử đi học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý quan hệ quốc tế tại vương quốc Anh trong 30 tháng. Tháng 7/2013, khi được cử sang Mỹ đào tạo 13 ngày, song ông Long đã không về cùng đoàn, trốn ở lại. Hai tháng sau, Sở Ngoại vụ đã ký quyết định buộc thôi việc ông này vì "vô tổ chức, vô kỷ luật". Do Long đã đủ thời gian công tác tại địa phương theo quy định của đề án nên gia đình không phải hoàn trả kinh phí đào tạo cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Hữu Thời, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp cho rằng, việc đào tạo một thạc sĩ tại nước ngoài được đầu tư 600-700 triệu đồng nhưng nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng, gây tốn kém nguồn kinh phí. "Có một ứng viên đi học thạc sĩ ở Canada, nhưng cả một năm chúng tôi không có tin tức của cô ấy. Đến nhà tìm hiểu, gia đình cho biết em này đã kết hôn với người nước, định cư luôn bên đó", ông Thời nói.
Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ Phạm Việt Dũng cho biết thêm, hiện các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện chương trình, chưa thể khẳng định bao giờ kết thúc. "Một số em khi được đi học nước ngoài ôm ấp hoài bão lớn nhưng lúc trở về địa phương làm việc thì có tư tưởng thực dụng, đòi hỏi, chê lương thấp, phá vỡ cam kết. Có khoảng 2% ứng viên bỏ học, không về vì lý do kinh tế hoặc kết hôn với người nước ngoài", ông Dũng nhìn nhận.
Một lãnh đạo Sở Nội vụ TP Cần Thơ đánh giá tốt chương trình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, vị cán bộ này thẳng thắn: "Việc khảo sát nhu cầu ban đầu của đề án chưa tốt. Đúng ra phải nắm được sở này, ngành kia cần nhân lực như thế nào, bao nhiêu người rồi mới tuyển, cho đi đào tạo. Đằng này, khi đào tạo xong, chúng tôi bị 'ấn' người về, đành phải thông báo nơi nào có nhu cầu rồi mới phân công đến nhận việc".
Cửu Long