Có mặt tại chương trình "Tôn vinh người hiến thận tự nguyện", tổ chức ngày 16/11, tại Bệnh viện Trung ương Huế, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao tinh thần tự nguyện của những người hiến thận; ghi nhận nỗ lực và thành tựu mà đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã đạt được trong lĩnh vực ghép tạng trên người trong thời gian gần 14 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên tại đây.
Ở Việt Nam ca ghép thận trên người đầu tiên được thực hiện vào ngày 4/6/1992 tại Học viện Quân y 103 dưới dự hỗ trợ của GS Chue Shue Lee - Chủ tịch Hội ghép tạng Đài Loan, sau đó lần lượt là các bệnh viện Chỡ Rẫy (tháng 12/1992), Việt Đức (năm 2000).
May mắn là một trong những bệnh nhân đầu tiên được chọn ghép thận tại Huế vào ngày 31/7/2001, anh Trần Thanh Sơn (36 tuổi) chia sẻ: “Sau khi nhận được nguồn thận từ chính mẹ ruột của mình, đến nay sức khỏe của tôi ổn định, không phải chạy thận nhân tạo. Tôi đã lập gia đình và có 2 con”.
Trong khoảng thời gian triển khai kỹ thuật ghép tạng trên người, Bệnh viện Trung ương Huế đã điều trị thành công nhiều ca bệnh được ghi nhận là khó khăn và hiếm gặp tại Việt Nam, trong đó có ca ghép thận cách nay 2 năm cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (quê Cần Thơ) bị cắt nhầm thận ở một cơ sở y tế.
Cùng với kỹ thuật ghép thận, tháng 3/2011, ca phẫu thuật ghép tim đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân Trần Mậu Đức (26 tuổi) cũng được Bệnh viện Trung ương Huế triển khai thành công.
Theo Giáo sư Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế, cả nước hiện nay có hơn mười nghìn người chờ nhận thận nhưng chỉ khoảng 1.000 ca trong số đó được ghép thận, nguồn thận được bệnh viện vận động từ chính người nhà của bệnh nhân hoặc người bệnh đã chết não, ông Phú nói và cho biết hiện nay bệnh viện Trung ương Huế đang xây dựng đề án trình cơ quan chức năng để có thể xây dựng được nguồn hiến tạng dự phòng, giúp quá trình cứu chữa người bệnh được chủ động hơn.
Đắc Đức