Ngày 15/4, Ủy ban Các vấn đề Xã hội tổ chức buổi họp thứ nhất, phiên họp toàn thể lần thứ 5. Các đại biểu đặc biệt quan tâm báo cáo kết quả thực hiện lời hứa chất vấn của Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
Ủy ban yêu cầu Bộ Lao động đánh giá tình hình thực hiện quyết định 71 về hỗ trợ vốn cho người dân tộc đi xuất khẩu lao động, bởi có thông tin rằng trong 8.000 người đã đi tỷ lệ bỏ về khoảng 80%. Riêng lao động làm việc tại Hàn Quốc có hơn 50% trốn ra ngoài.
"Truyền thông đưa tin năm 2013 Hàn Quốc đã loại mình ra khỏi danh sách nhập khẩu lao động nhưng lại tiếp nhận 15 nước khác, điều đó có đúng không?", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi hỏi.
Lao động Việt Nam tại Malaysia. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Bộ trưởng Chuyền cho biết, việc xuất khẩu lao động theo quyết định 71 gặp nhiều khó khăn. Khoảng 8.000 người đã ra nước ngoài làm việc, chủ yếu ở Malaysia. Tuy nhiên, do trình độ tay nghề thấp, trình độ tiếp cận công nghệ kém, ý thức lại hạn chế nên các lao động khó trụ lại.
"Sau khi lĩnh lương, họ thường tự cho phép mình nghỉ một vài ngày. Một số thì bỏ về nước, nhưng không đến 80%", bà Chuyền cho hay.
Theo Bộ trưởng, số lao động trốn ở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng khoảng 57%, cao gần gấp đôi các nước khác. Tháng 7/2012, Bộ đạt được thỏa thuận đưa những lao động về đúng hạn quay trở lại Hàn Quốc làm việc sau khi kiểm tra tiếng. "Mức lương ở thị trường này từ 1.100 đến 2.500 USD nên rất có sức hút", bà cho hay.
Theo Bộ Lao động, ở thị trường Trung Đông đang có khoảng 25.000 người đang làm việc. "Bộ chỉ quản lý người lao động thông qua các công ty môi giới. Còn người tự đi theo đường du lịch và ở lại thì đại sứ quán có trách nhiệm bảo hộ quyền lợi", bà Chuyền nói và cho hay, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động vẫn hoạt động bình thường, trừ một số bị kiểm điểm do vi phạm quy định.
Cũng tại cuộc họp, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Sùng A Hồng cho biết, một lượng lớn người dân, đặc biệt là đồng bào Mông của tỉnh này đã sang Trung Quốc trồng chuối, cao su với giá nhân công rẻ mạt. Hiện, số lao động sống bất hợp pháp ở Trung Quốc khoảng 10.000 người. Ông Hồng băn khoăn Chính phủ đã biết việc này chưa và hướng giải quyết như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, lao động ở vùng biên sang Trung Quốc làm ăn không phải chỉ người Mông mà còn có người Kinh và nhiều dân tộc khác. Tỉnh Cao Bằng báo cáo có 10.000 người, Hà Giang có 15.000 người đang làm ăn ngắn hạn ở Trung Quốc...
Trước lời đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai về những con số cụ thể để biết lời hứa thực hiện đến đâu, Bộ trưởng Chuyền cho biết, hiện nay, quỹ hỗ trợ việc làm có 4.200 tỷ đồng. Số lao động nông thôn đã đào tạo là 1,1 triệu người. Lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo chiếm khoảng 10%. Một chương trình dành riêng cho đối tượng này đang được xây dựng.
Chưa hài lòng với báo cáo kết quả thực hiện lời hứa chất vấn, bà Mai đề nghị Bộ trưởng làm lại báo cáo thực hiện nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ. "Bộ Lao động cần tăng cường quỹ hỗ trợ việc làm đối với người lao động, không nên tiết kiệm quá. Báo cáo chất vấn của Bộ trưởng cần hoàn thành sớm để Ủy ban trình Quốc hội vào ngày 20", bà Mai nhắc nhở.
Hoàng Thùy