Theo UBND Thanh Hóa, hiện tỉnh có khoảng 8.300 lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Tất cả 27 huyện thị, thành phố đều có người sang Trung Quốc bất hợp pháp qua đường tiểu ngạch ở Quảng Ninh, Lạng Sơn.
Nhà chức trách cho hay, việc đi lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc đã gây ra nhiều hệ lụy, nhiều trường hợp bị tai nạn thiệt mạng, bị phạt tù. Trong số hơn 8.300 lao động thì đã có gần 600 người bị giới chức Trung Quốc bắt, trao trả, đẩy trở lại qua biên giới; 9 người bị Trung Quốc đưa ra xét xử; 16 người bị tai nạn và bị chết; nhiều phụ nữ bị mất tích…
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có hơn 4.000 người trở về quê ăn Tết, số còn lại vẫn ở Trung Quốc lao động trái phép. Ba tháng qua, tình hình xuất cảnh trái phép ở Thanh Hóa vẫn diễn biến phức tạp. Hàng nghìn người đã lén lút di chuyển về khu vực biên giới phía Bắc rồi tìm cách vượt biên.
Một số địa phương có nhiều lao động làm thuê trái phép như huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Thạch Thành, TP Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn...
Trước vấn đề trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành pháp luật về biên giới quốc gia, xuất cảnh, nhập cảnh; nhận thức rõ phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê để không nghe lời rủ rê, lôi kéo của kẻ xấu.
Nhiều vụ môi giới, lôi kéo người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và các nước khác đã bị cảnh sát ngăn chặn. Vào cuối tháng 2, Công an huyện Hậu Lộc đã truy tố Nguyễn Văn Hào (45 tuổi, trú xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) về hành vi tổ chức đưa người đi lao động trái phép sang Trung Quốc. Cụ thể, ngày 23/2, khi Hào đang tổ chức 3 ôtô chở 47 người đi ra biên giới để xuất cảnh sang Trung Quốc thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.
Lê Hoàng