Báo cáo nhanh của Bộ Y tế cho thấy trong những ngày nghỉ Tết này, các bệnh viện tiếp nhận gần 195.000 trường hợp đến khám cấp cứu. Trong đó, hơn 5.000 người phải nhập viện do đánh nhau, ngày cao nhất có 900 trường hợp và 11 người tử vong.
Theo báo cáo, cả nước có 1.500 người đến khám vì ngộ độc thức ăn, 5 người tử vong. Gần 60 người nhập viện do pháo nổ, trong đó nhiều nhất là vào đêm Giao thừa với 32 ca. Riêng tai nạn giao thông, các bệnh viện tiếp nhận hơn 35.000 ca, với hơn 4.000 ca chấn thương sọ não và 193 người tử vong.
Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện, cho hay, năm nay tình hình tai nạn giao thông có giảm hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân lại bị nặng hơn. Các vụ tai nạn thường xảy ra ở trục đường chính, đường lớn, số vụ tại các đường nông thôn giảm. Đến ngày mùng 2 Tết, Bệnh viện cấp cứu gần 280 ca tai nạn giao thông, trong số này có khoảng 170 ca chấn thương sọ não, gần 50 nạn nhân không đội mũ bảo hiểm.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, số bệnh nhân đến khám vào những ngày nghỉ Tết khoảng 250-300 người, cao nhất là vào ngày 29 Tết với hơn 370 người. Trong đó có 6 ca ngộ độc thức ăn, 2 trường hợp bị ngộ độc thuốc trừ sâu.
Theo Cục Y tế dự phòng, tình hình dịch bệnh trên toàn quốc, tính đến ngày 22/2 (mùng 4 Tết) ổn định, không có diễn biến bất thường. Các bệnh dịch như sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam, tay chân miệng trên cả nước... xu hướng giảm so với thời gian trước Tết.
Ngày 16/2, Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa có báo cáo 5 trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn, tất cả đều có tiền sử ăn tiết canh thịt lợn ốm vào ngày 6/2. Hiện tại 5 bệnh nhân sức khỏe đã ổn định và xin về điều trị tại nhà. Kết quả xét nghiệm cho thấy 4 trường hợp âm tính, một trường hợp đang được theo dõi và làm xét nghiệm tiếp.
Phương Trang