Đây là tập hợp các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, đảm bảo an toàn cho nhân dân, giúp nạn nhân bị tai nạn hòa nhập cộng đồng, tái định cư khỏi vùng ô nhiễm.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch hội cho biết các nhiệm vụ chính của hội là tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn; các biện pháp phòng tránh tối đa hậu quả bom mìn, trọng tâm là các địa phương bị ô nhiễm bởi bom mìn; tuyên truyền, thuyết phục các quốc gia, tổ chức quốc tế về nghĩa vụ, trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực. Mục tiêu là thành lập các chi hội trên toàn quốc để tiến hành chương trình khắc phục hậu quả bom mìn có hiệu quả sâu rộng, triệt để hơn.
Có mặt tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công cuộc này, từ việc mỗi năm dành hàng nghìn tỉ đồng đến phê duyệt chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Ông hy vọng sự ra đời của VNASMA là nhân tố giúp hoàn thành mục tiêu quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng, chiến tranh trôi qua gần 40 năm nhưng hàng ngày vẫn có người bị thương, tử vong vì bom mìn sót lại sau chiến tranh là điều không chấp nhận được. Với khả năng xử lý như hiện nay, phải mất 300 năm, Việt Nam mới khắc phục xong hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bởi vậy, cố gắng của Đảng, Nhà nước cùng sự giúp đỡ của các tổ chức, quốc gia trên thế giới cũng chưa đủ, mà coi đây phải là sự nghiệp của toàn dân.
Mục tiêu tuyên truyền với quốc tế vô cùng quan trọng để họ thấy trách nhiệm của cả những quốc gia mang bom mìn tới Việt Nam và chế tạo ra bom mìn. "Không phải chúng ta đi xin hỗ trợ mà là yêu cầu họ phải có trách nhiệm cùng chúng ta khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh", ông nói.
Theo số liệu thống kê, số lượng đạn dược do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 15,35 triệu tấn. Trong đó, số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại ước tính 800.000 tấn. Điều tra sơ bộ năm 2002 cho thấy có 9.284/10.511 xã bị ô nhiễm, tổng diện tích 6,6 triệu ha trên đất liền, chiếm trên 21% diện tích cả nước, chưa kể số bom mìn còn tồn sót trên các vùng biển. Tất cả các thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm, nặng nhất là khu vực miền Trung và một số tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng…Chỉ trong thời gian 25 năm sau chiến tranh, cả nước có 42.135 người chết, hơn 62.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại, trong đó có hơn 30.000 trẻ em vô tội. |
Hoàng Phương