Theo bản tin VTC tối 27/5, việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan là bước đi tạo thêm khó khăn cho Việt Nam. Hải Dương 981 được lai dắt tới gần đảo Tri Tôn thì một quy chế pháp luật khác sẽ được áp dụng trong việc xác định vùng lãnh hải và các vùng biển khác.
Giáo sư Hà Hoàng Hợp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore) cho rằng, động thái mới của Trung Quốc nhằm dồn Việt Nam vào chỗ khó xử vì "họ đang mất mặt và cũng ở thế khó xử, nên họ sẽ tạo ra nhiều cái khó cho Việt Nam hơn".
Vấn đề khó xử của Việt Nam là Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép đảo Tri Tôn và họ có quyền suy luận để bảo vệ việc chiếm giữ trái phép này theo cách của họ. "Trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn mang tàu chiến, tàu hộ vệ, máy bay thám sát, tàu dò mìn... tức là nước này đã triển khai lực lượng quân sự gồm hải quân và không quân để dồn Việt Nam", giáo sư Hợp nói.
Vị giáo sư bày tỏ lo ngại, khi rút giàn khoan 981 vào tháng 8, Trung Quốc có thể đặt giàn khoan nhỏ hơn thay thế. Bản chất việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không phải để khai thác dầu mỏ mà nhằm mục đích chính trị, khẳng định chủ quyền một cách trái phép. Xét về mặt kỹ thuật hay quân sự, đây sẽ là bước để Trung Quốc chuẩn bị tạo hạ tầng cơ sở cho vùng phòng không trên Biển Đông.
"Từ tháng 8 sẽ có bão lớn trên vùng biển, việc duy trì giàn khoan lớn rất tốn kém. Mỗi ngày Trung Quốc bỏ ra 10 triệu USD cho giàn khoan đang hạ đặt trái phép và cho các phương tiện tham gia bảo vệ. Nếu rút giàn khoan hiện tại, khả năng Trung Quốc tính chuyện mang giàn khoan nhỏ ra thay thế gần như là chắc chắn", giáo sư Hợp nhận định.
Trên phương diện kỹ thuật, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Hoàng Bá Cường, Giám đốc Công ty điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước (PVEP-POC, thuộc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí VN - PVEP) rằng, việc dịch chuyển giàn khoan trong phạm vi 23 hải lý chưa nói lên điều gì. Đó là hoạt động bình thường của công đoạn khoan, thăm dò dầu khí, khi vị trí ban đầu của giàn khoan không phù hợp.
"Nếu vị trí ban đầu nhiều bùn, độ bùn ngập sâu quá, đáy biển chưa phù hợp hoặc có dấu hiệu của khí nông thì họ không dám làm, không thể đặt được thiết bị đầu giếng", ông Cường phân tích.
Báo này cũng dẫn lời ông Lê Trí Thành, giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ và khảo sát công trình ngầm PTSC (PTSC G&S, thuộc Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC) cho hay, trong vấn đề khoan và thăm dò dầu khí, việc dịch chuyển như Trung Quốc đang làm là bình thường xét về mặt kỹ thuật.
Trong khi đó, Cục Hải sự Trung Quốc hôm 27/5 thông báo, giàn khoan Hải Dương 981 đã "hoàn thành giai đoạn khoan thăm dò đầu tiên và chuyển sang giai đoạn tiếp theo".
Tính đến chiều 27/5, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí có tọa độ cách đảo Tri Tôn về hướng đông đông nam 25 hải lý; cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng đông đông bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý, nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Đến trưa 28/5, giàn khoan Hải Dương 981 đã ngừng di chuyển.
Tại thực địa, VTV đưa tin, tàu cảnh sát biển 8003 của Việt Nam đã phát hiện ba tàu Trung Quốc vây ép, sử dụng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam ở vị trí cách giàn khoan khoảng 11 hải lý, lúc 5h50 sáng nay.
Đến khoảng 11h35, khu vực giàn khoan 981 xuất hiện một tàu hộ vệ tên lửa di chuyển cách tàu cảnh sát biển Việt Nam khoảng 4 hải lý, VTCNews cho hay.
Hương Thu tổng hợp