Ngày 3/8, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết dự án trùng tu tôn tạo tháp E7 tại Thánh địa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) vừa hoàn tất sau 4 năm được Viện Bảo tồn di tích tiến hành khảo sát, gia cố và xử lý phục hồi.
Với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, đây là tháp Chăm đầu tiên sử dụng nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia kể từ khi Thủ tướng phê duyệt dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Dự kiến tháp này sẽ được đưa vào tham quan trong vài ngày tới. Qua 4 năm trùng tu, lần đầu tiên tại Mỹ Sơn, các nhà khảo cổ khai quật được nhiều hiện vật kiến trúc Chăm quý, hiện đã được bàn giao cho Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cất giữ.
Tháp E7 cũng là tháp Chăm đầu tiên được đoàn chuyên gia Việt Nam trùng tu thành công kể từ khi công cuộc tôn tạo Mỹ Sơn bắt đầu từ sau năm 1975. Tháp được trùng tu dựa trên phương pháp của Italy đã tiến hành với tháp G1 trước đó bằng cách xây bổ khuyết các phần gạch đã bị hư hại. Gạch được mài nhằn rồi liên kết với nhau bởi dầu rái, thay các viên gạch cũ bằng gạch mới để tạo hình ảnh nguyên trạng.
Tuy nhiên, sau khi tháp được hoàn tất nhiều chuyên gia không đồng tình với phương pháp này. Họ cho rằng những viên gạch mới được mài nhẵn vô tình khiến lớp da bảo vệ bên ngoài bị mất, dễ bị mưa gió xâm thực dẫn đến hư hại. Phần gạch thay thế “vuông thành sắc cạnh”, đường nét thẳng như kẻ chỉ làm mất đi tính mộc mạc của tháp Chăm. Ngoài ra việc vẫn chưa tìm ra kỹ thuật sản xuất gạch Chăm hay chất kết dính mà người Chăm đã sử dụng với dầu rái để xây dựng tháp khiến cho việc trùng tu gặp nhiều hạn chế.
Trước đó năm 2002, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa Thông tin cũ) trùng tu nhóm tháp F tại Mỹ Sơn nhưng gặp thất bại. Đây là nhóm tháp bị hư hại nặng nhất sau chiến tranh, trong đó tháp F1 bị trùm kín bởi đất đá. Sau khi bóc tách toàn bộ đất đá trùm trên tháp F1 xuống đã xảy ra hiện tượng gạch bị mất liên kết, bong ra vương vãi. Đoàn trùng tu phải vội vã dừng dự án do không tìm được giải pháp tiếp theo đồng thời cấp kinh phí để dựng mái che và chống đỡ.
Tuy nhiên, được che chắn trong thời gian dài khiến độ ẩm ở tháp bị mất cân đối, cộng với sức nóng từ mái tôn làm gạch nhanh chóng bị đổi sang màu trắng và tơi bở, rời ra. Việc tu bổ vô tình khiến cho tháp bị xuống cấp với tốc độ nhanh trong hơn 10 năm qua. Mức độ hư hại lớn gấp nhiều lần so với khi chưa khai quật, nhưng đến nay vẫn không có giải pháp để cứu chữa ngôi tháp này.
Ông Hồ Xuân Tịnh cho hay, sau nhiều năm tiến hành trùng tu, được cả nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài tham gia nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu nào để cứu tháp Chăm. “Rất nhiều tháp Chăm đang có nguy cơ bị xóa sổ nhưng đến nay, tất cả giải pháp trùng tu cũng chỉ mang tính thử nghiệm”, ông Tịnh nói.
Tiến Hùng